Hiện tượng nhật thực diễn ra ngày 21/6 tới trên toàn lãnh thổ Việt Nam đang là đề tài bàn luận rôm rả trong cộng đồng những người yêu thiên văn học. Nhật thực lần này bắt đầu ở Trung Phi, đi qua Ả-rập Xê-út, Bắc Ấn và Nam Trung Quốc rồi kết thúc ở vùng biển Thái Bình Dương.
Ở Việt Nam, người yêu thiên văn chỉ quan sát được nhật thực một phần. Mặt trăng không hoàn toàn che khuất Mặt trời, chỉ xuất hiện như chiếc đĩa nhỏ đặt lên trên chiếc đĩa lớn hơn là Mặt trời. Lúc đó, chúng ta sẽ thấy vòng nhật hoa như chiếc nhẫn bao quanh Mặt trăng. Vì vậy hiện tượng này còn được gọi là nhật thực hình khuyên.
Trong sự kiện nhật thực lần này, tỷ lệ che phủ Mặt trời đạt mức cao nhất ở Hà Nội (71%) lúc 14h55. Tỷ lệ này là 56% ở Đà Nẵng và 36% ở TP.HCM.
Cụ thể, nhật thực một phần ở Hà Nội bắt đầu lúc 13h16, kết thúc vào 16h18. Tại Đà Nẵng, nhật thực bắt đầu lúc 13h30, đạt cực đại lúc 15h04. Tại TP.HCM, nhật thực diễn ra từ 13h37 đến 16h18, đạt cực đại lúc 15h05.
Chi tiết mức độ che phủ nhật thực ở một số tỉnh thành và thời gian hiện tượng này đạt cực đại. (Ảnh: Thiên văn Hà Nội)
"Nếu bỏ lỡ dịp này, chúng ta sẽ phải chờ thêm 3 năm nữa mới có thể chứng kiến lần nhật thực tiếp theo", người mê thiên văn nhắc nhở nhau trên mạng xã hội. Từ đầu tháng 6, các hội nhóm tại Hà Nội, Hưng Yên, TP.HCM, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang... đã háo hức lên Facebook tìm "đồng bọn", bàn nhau tổ chức các điểm quan sát, sẵn sàng cho sự kiện thiên văn được ngóng đợi nhất năm 2020 này.
Hà Nội là nơi có tỷ lệ Mặt trăng che phủ Mặt trời cao nhất nên việc chuẩn bị cũng rôm rả, xôm tụ nhất. Nhóm "Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội" tạo hẳn sự kiện trên Facebook, hẹn nhau tụ họp tại Công viên Hòa Bình (đường Phạm Văn Đồng) từ 13h15 ngày 21/6. "Sự kiện hoàn toàn miễn phí, chúng tôi sẽ có kính thiên văn, ống nhòm với các dụng cụ chuyên nghiệp cho mọi người quan sát. Bạn nào có kính thiên văn với phim lọc Mặt trời có thể đến tham gia cùng để chụp ảnh", những người tổ chức thông báo.
Nhóm "Vật lý thiên văn Hà Nội" cũng dự kiến phối hợp với một trường đại học tổ chức quan sát tại 18B Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy. Từ chục ngày trước, nhóm này đăng thông báo trên Facebook tuyển tình nguyện viên để hướng dẫn những người tham gia cách quan sát nhật thực an toàn, ai chưa có phương tiện quan sát sẽ được mượn kính miễn phí.
Ở nhiều địa phương khác như Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai, cư dân mạng cũng mách nhau hoặc rủ nhau tìm kiếm các địa điểm tổ chức quan sát nhật thực, hỏi địa chỉ mua kính đảm bảo chất lượng, an toàn. Cộng đồng yêu thiên văn cũng tư vấn, chia sẻ những phương pháp quan sát hiệu quả nhất.