Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Rơi nước mắt ở điểm trường với những bữa ăn một màu trắng toát

Tôi giật mình ngỡ ngàng, khi toàn bộ những âu cơm là một màu trắng lạnh lẽo của cơm gạo, vàng nhạt của ngô xay, hay ngà ngà của gạo trộn mèn mén.

Kỳ 1: Những âu cơm đắng lòng

Đi miền núi nhiều, tôi thường ghé các trường học miền núi, đặc biệt là trường nội trú, thấy cuộc sống của học sinh cũng đỡ nhiều, vì được nhà nước hỗ trợ đủ cơm gạo thịt rau để ăn. Đường sá cũng dễ chịu, sóng điện thoại phủ khắp nơi, cuộc sống giáo viên cũng đổi khác. Thế nên, chục năm nay, tôi ít khi viết về chuyện học sinh miền núi, với những người gieo chữ côi cút nơi rừng già.

Thế nhưng, mới đây, nhận được cuộc điện thoại của chị Nguyễn Hà Giang, cán bộ Trung tâm văn hóa thể thao và du lịch huyện Bắc Mê (Hà Giang), tôi thực sự ngạc nhiên, khó tin là chuyện thật. Chị bảo: “Sức em có hạn, các anh nhà báo xem thế nào, chứ nhìn bữa cơm các con toàn màu trắng của gạo, vàng của ngô, mà xót xa lắm anh ạ. Cả bản còn đói rạc đói rày, thì các con được đi học đã mừng lắm, nói gì có miếng thịt, cọng rau mà ăn”.

Điểm trường Ký Thì. Ảnh: Dương Ngọc 

Chị Giang nói vậy, quả thực tôi không tin lắm, nhưng cứ ám ảnh với câu chữ “màu trắng của gạo, màu vàng của ngô”, mà tôi và nhà báo Đào Thanh Tuy (Báo Gia đình Việt Nam) đột ngột lên đường. Nói là “đột ngột”, là bởi vì, cán bộ miền núi nhiều khi hay giấu cái nghèo, cái đói, sợ ảnh hưởng đến thành tích, hoặc bôi xấu chính quyền địa phương vì để dân đói.

Con đường từ thành phố Hà Giang vào Bắc Mê có 54km, mà đánh vật mất 3 tiếng đồng hồ. Mới có một năm không lên vùng đất này, mà con đường rải nhựa như dải lụa đã nát tươm, toàn ổ voi ổ trâu, bởi sự cày xới ngày đêm của hàng trăm chiếc xe tải chở quặng nặng lắc lư ật ưỡng leo núi.

Sớm tinh mơ, chúng tôi đã có mặt ở trung tâm xã Yên Cường. Chúng tôi gặp thầy Phạm Văn Thể, là hiệu trưởng của trường tiểu học Yên Cường 2, phụ trách mấy điểm trường ở xã. Chúng tôi nhờ thêm anh Nguyễn Hữu Cường, chàng trai trẻ tuổi, sinh năm 1984, là Phó chủ tịch UBND xã Yên Cường, nhờ vả các anh dẫn lên điểm trường Ký Thì.

Nhìn chúng tôi từ đầu đến chân, hai anh bảo khó mà đi được. Đêm trước trời mưa, đường trơn như bôi mỡ, nên đi bộ với đi xe máy đều... nhanh ngang nhau. Nhưng, dù đường sá có thế nào, thì cũng vẫn lên đường.

Mỗi người một xe máy, đánh vật mấy tiếng đồng hồ, thì cũng lên đến một hốc núi, nơi có lá cờ Tổ quốc bay phấp phới. Một dãy nhà gỗ dài hơn 20m, chia thành những phòng nhỏ. Trường học tạm bợ, mái phibro ximăng, với những thanh gỗ lắp ghép gió lùa lạnh cóng. Phía dưới, là một căn nhà gỗ nữa, ngăn đôi, là điểm trường mầm non, nhưng một phòng đóng cửa, vì học sinh không chịu đến lớp.

Thấy tiếng xe máy, khách lạ, các cô giáo chạy ra tiếp đón, đám học sinh miền núi cũng thò đầu ra ngó. Đứa nào đứa nấy nhem nhuốc, với đôi mắt trong veo như nền trời treo ngay đỉnh núi Ký Thì.

Những âu cơm trắng theo con đến trường. Ảnh: Dương Ngọc 

Thầy Thể ra hiệu các cô cứ tiếp tục dạy học. Chúng tôi dạo quanh khu nhà, thăm gian bếp thông thốc gió, và hai căn nhà giáo viên bé tin hin, lắp ghép bằng những mảnh gỗ. Bếp của giáo viên lạnh tanh, không thấy có gạo nước, thức ăn gì cả. Mấy chiếc nồi chỏng chơ ở góc bếp.

Cô Phạm Thị Liên, phụ trách điểm trường rót nước, phân trần với thầy Thể, là vì sao hôm nay trường vắng thế, dù tổng số các con lên tới hơn 70 đứa. Là bởi vì, đêm qua trời mưa, đường trơn chuồi chuỗi, nên tất cả học sinh của 15 hộ dân ở điểm dân cư Lùng Pảng đều nghỉ học không sót một bé nào. Điểm dân cư Lùng Pảng nằm tít tận đỉnh núi Ký Thì, phải đi bộ 2 tiếng mới đến được trường, nên trời mưa, đường trơn là chúng nghỉ cả. Nếu đi học, bị mưa giữa đường thì chết rét, hoặc “vồ ếch” thì lấm lem bùn đất từ đầu đến chân. Thế nên, hễ trời mưa là chúng nghiễm nhiên nghỉ học.

Tôi thực sự ngạc nhiên, khi đám học trò người Mông, từ mầm non 4 tuổi, đến lớp 4 hơn 10 tuổi, mỗi ngày đi bộ 4 tiếng cả đi lẫn về để học con chữ. Các cô kể, cứ 5g30 sáng, mấy chục đứa trẻ dắt nhau rời núi, xách theo âu cơm, học đến 4 giờ chiều, thì lại dắt díu nhau đến 6 giờ tối mới về đến nhà. Ngày chúng học 8 tiếng, thì phải cuốc bộ 4 tiếng.

 Âu cơm trắng với nụ cười rạng rỡ trên môi trẻ Ký Thì. Ảnh: Dương Ngọc

Đúng 11 giờ 30 phút, cô phụ trách điểm trường hô nghỉ học, tức thì bọn trẻ đổ xô ra sân trường lấm lét tò mò nhìn những người lạ. Đường từ xã Yên Cường vào Ký Thì của người Mông xa xôi dốc ngược, cả ngày chẳng có tiếng xe máy ra vào, nên thấy người lạ, bọn trẻ nhìn như người ngoài hành tinh. Cô giáo hô các con ăn cơm, lập tức bọn trẻ chạy túa đi lấy hộp cơm, rồi về lớp ngồi ăn.

Chỉ mới đây thôi, clip đám học sinh miền núi ăn mì tôm úp, khiến dư luận dậy sóng, hàng triệu người xem, hàng vạn chia sẻ, làm lay động lòng người. Mấy năm trước, tôi vào bản Tốc Tác Trên của xã Chiềng Công (huyện Mường La, Sơn La), chụp mấy tấm ảnh bọn trẻ ngồi lê la trên đất bốc cơm với cá ăn, mà khiến cộng đồng rúng động, đem đến cả tỷ bạc lên cho bản nghèo. Ấy thế nhưng, những hình ảnh đó, không thể xót xa đến như thế này.

Tôi chạy hết phòng nọ đến phòng kia, từ lớp 1 đến lớp 4, chạy xuống cả lớp mầm non, ngó hết các âu cơm của bọn trẻ, và giật mình ngỡ ngàng, khi toàn bộ là một màu trắng lạnh lẽo của cơm gạo, vàng nhạt của mèn mén ngô xay, hay ngà ngà của gạo trộn mèn mén. Chỉ có duy nhất một âu cơm, khi nhấc ra, thấy trên nắp âu cơm có nhúm màu đen, trông như thịt xay. Tuy nhiên, cô giáo bảo, đó là đậu tương thối đem rang. Cả điểm trường với mấy chục học sinh, tuyệt nhiên không có miếng thịt nào.

100% học sinh ở Ký Thì ăn cơm không như thế này. Ảnh: Dương Ngọc 

Cô Phạm Thị Liên bảo: “Bình thường bọn tôi nấu ăn, thường nấu nồi canh to, rồi múc cho mỗi con một muôi, chan với cơm cho dễ nuốt. Nhưng nay rau cũng chẳng còn, đường trơn không đi bộ được, nên các con phải ăn cơm không vậy thôi. Chúng tôi cũng ăn vậy. Cả bản này đều đói nghèo, có cơm ăn là may lắm rồi, nên chúng không biết đến miếng thịt đâu. Dân họ nghèo, nên cứ vứt vạ vật các con ăn uống như vậy, dựa vào thầy cô, mà nhà báo biết đấy, thầy cô sao cáng đáng được”. Theo con số, thì điểm trường có hơn 70 học sinh, có 4 cô giáo, xoong nồi có vài cái méo mó nhỏ xíu, không hiểu các cô nấu cho các con kiểu gì. Nghe cô nói vậy mà buồn.

Tôi bật camara, quay cảnh các con ngồi cặm cụi xúc cơm ăn. Những gương mặt ngây thơ xấu hổ cắm vào âu cơm. Những cái âu là chị Nguyễn Hà Giang kêu gọi, các nhà từ thiện ở xa xôi mua tặng, vì trước đây các con toàn đựng cơm vào túi nilon mang đến lớp nhìn tội nghiệp quá. Âu cơm to thế, đủ cho 4 người lớn dưới xuôi ăn, thế mà đứa trẻ Mông lớn bằng con mèo, cứ ngồi nhẩn nha xúc, ăn bằng hết. Cầm máy quay, mà tôi cứ nghẹn lại, không nói được, dù đã quá quen với cảnh tượng này.

Video: Học sinh điểm trường Ký Thì (Yên Cường, Bắc Mê, Hà Giang) ăn cơm trắng trộn mèn mén

Cô bé Tráng Thị Hoạt, học sinh lớp 3, từng gây chú ý cả nước, khi có 2 bộ phận sinh dục, mới được chị Nguyễn Hà Giang phát hiện, và kêu gọi, được phẫu thuật từ thiện, ngồi cặm cụi xúc cơm ăn. Hoạt xúc cho mình một miếng, lại xúc cho hai đứa em, một đứa lớp 1, một đứa nhỏ xíu, tóc vàng hoe, mới 4 tuổi. Hai đứa nhỏ mặc thiếu quần áo, trời lạnh, nên mũi thò lò xanh lè đến tận miệng. Ba chị em Hoạt cũng chỉ có một âu cơm trộn ngôi xay, nên nhiều khi ăn hết vẫn đói, thì mấy bạn ăn thừa đổ sang cho.

Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huy Cường bảo: “Các con đi học nội trú dưới xã còn có miếng thịt để ăn, vì được Nhà nước cấp tiền, nhà trường nấu ăn. Chứ bọn trẻ ở điểm trường, thì phải mang cơm ở nhà đi ăn, mà bố mẹ các con cũng chỉ ăn cơm muối, mèn mén cho no bụng, thì các con cũng chỉ ăn vậy thôi. Nhiều khi đến muối trắng với ớt còn không có để ăn. Không có thịt, thì các con phải ăn rất nhiều cơm mới đủ chất, mới no bụng được. Vậy nên, một đứa trẻ ở đây ăn hết cả âu cơm cũng không có gì lạ đâu nhà báo à!”.

 

Cậu bé nhẩn nha ăn hết âu cơm ú ụ này. Ảnh: Dương Ngọc 

Giữa trưa, khi bọn trẻ ăn xong, chạy túa xuống chân núi vục nước suối uống, thì anh Giàng A Cẩm, Bí thư chi bộ bản Ký Thì xuống điểm trường ngó xem người lạ. Biết là nhà báo, anh Cẩm tâm tư: “Bản Ký Thì của chúng tôi có tổng số 58 hộ dân, 100% là người Mông, thì có 55 hộ thuộc diện đói nghèo. Lẽ ra tất cả đều là đói nghèo cả, nhưng vừa qua, có 3 hộ thoát nghèo, được đưa vào diện cận nghèo, là vì được huyện hỗ trợ xóa đói bằng 3 con bò. Ở đây núi cao, lạnh lẽo, ruộng ít, thiếu nước, nên chỉ cấy được 1 vụ thôi. Cuối năm mới thu hoạch lúa, nên các cháu còn có gạo ăn, chứ vài hôm nữa, hết gạo, thì các cháu lại ăn mèn mén thôi. Cả bản ăn vậy, thì các cháu cũng ăn vậy thôi. Giờ nếu nhà báo hỏi chúng tôi mong mỏi điều gì, thì chúng tôi muốn có một ngôi trường khang trang cho các cháu, chứ trường rách te tua thế này mùa đông lạnh lắm, nghỉ học hết”.

 Các bé mầm non không biết cầm thìa, thì bốc cơm trắng ăn no bụng. Ảnh: Dương Ngọc

Lời mong mỏi của Bí thư bản Giàng A Cẩm cũng là mong mỏi chung của nhiều điểm trường nơi góc núi lãng quên khắp miền núi phía Bắc này. Xóa trường tạm, xây trường kiên cố là chủ trương của Nhà nước, và Nhà nước phải làm. Trong hoàn cảnh các con chẳng có miếng thịt để ăn, quanh năm chỉ cắm mặt vào âu cơm một màu trắng toát, thì ngôi trường sạch đẹp đâu có ý nghĩa gì nhiều.

Nhìn bữa cơm ám ảnh của các con, tôi cứ thầm ước, kêu gọi được 100 con lợn, rồi cứ mỗi tuần, hay nửa tháng, chính quyền lại thịt một con, treo thịt lên gác bếp cho khỏi hỏng, rồi đến bữa trưa, thầy cô lại nổi lửa nấu nướng, các con xếp hàng bưng âu đến lấy thịt từ thầy cô, thì đỡ xót lòng biết mấy. Tôi trộm nghĩ, bọn trẻ xúc miếng cơm, nhón miếng thịt, chắc chúng hạnh phúc lắm!

Báo điện tử VTC News kêu gọi cộng đồng ủng hộ các con 100 con lợn, để các con có tuổi thơ ăn cơm với thịt, bằng cách gửi tiền vào tài khoản sau đây: Tên chủ tài khoản: Báo điện tử VTC News; Số tài khoản: 0021000248991 - Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Hà Nội (Nội dung: Ủng hộ điểm trường Ký Thì); hoặc đóng góp trực tiếp tại tòa soạn Báo điện tử VTC News, tầng 12A, tòa nhà 18 Tam Trinh, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Văn phòng Miền Nam: Lầu 1, Tòa nhà số 1/1 Hoàng Việt, Phường 4, Quận Tân Bình, TP HCM.

Bổ sung thông tin ngày 11/4/2018: Sau thời gian phát động, Báo điện tử VTC News cùng các nhà hảo tâm, đã huy động được một lượng tiền khoảng 150 triệu đồng, cùng hiện vật. Các em học sinh đã có được vài năm ăn cơm có thịt. Báo điện tử VTC News xin dừng nhận trợ giúp từ độc giả.

Còn tiếp...

Bài tới: Cuốc bộ khám phá thôn bản đói nghèo nhất Tổ quốc

Phạm Dương Ngọc

Tin mới