Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Rời ban nhạc Anh Em, nghệ sĩ piano Tuấn Nam: 'Mâu thuẫn à, có chứ'

(VTC News) -

Sau 10 năm gắn bó với ban nhạc Anh Em, Tuấn Nam tách ra để đi con đường riêng của mình với mong muốn được nhớ đến với tư cách nghệ sĩ, nhà sản xuất nhạc Jazz.

Video: Tuấn Nam - hành trình 10 năm với ban nhạc Anh Em và khát vọng với Jazz

Nghệ sĩ piano Tuấn Nam thường được mọi người biết tới với vai trò thành viên của Anh Em - ban nhạc gắn với thành công của diva Mỹ Linh. Mới đây, anh chia sẻ với VTC News về quyết định rời khỏi ban nhạc và tạo lập con đường riêng.

'Tôi muốn mọi người biết nhạc Jazz hay vậy đó'

- Vào ngày 15 và 23/8 tới đây, anh sẽ tổ chức đêm nhạc "Tuấn Nam - Live in Jazz concert". Anh có thể chia sẻ về sự kiện này?

Đó sẽ là những đêm nhạc đậm chất Jazz, nhưng ngoài phần hòa tấu sẽ có thêm điểm nhấn là phần trình diễn của các ca sĩ Tùng Dương, Lê Hiếu, Hà Lê, Bùi Lan Hương. Đó đều là những nghệ sĩ tên tuổi và có cá tính rõ nét trong thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay.

Họ sẽ thể hiện các ca khúc rất quen thuộc với công chúng, có thể là ca khúc nước ngoài hoặc trong nước như Tình nghệ sĩ (Đoàn Chuẩn - Từ Linh), Gửi gió cho mây ngàn bay... Tuy nhiên, những ca khúc này đã được khoác tấm áo mới là thể loại nhạc Jazz.

- Anh mong muốn đạt được điều gì thông qua hai đêm nhạc này?

Tôi muốn đưa một món ăn mới để khán giả thấy Jazz không quá nặng nề; Jazz len lỏi trong rất nhiều thể loại nhạc, trong các ca khúc mà họ vốn dĩ rất quen thuộc, thậm chí có thể hát theo.

Tôi nghĩ khi đến với hai đêm nhạc này, rất nhiều khán giả sẽ ngân nga theo giai điệu của các ca khúc mà nghệ sĩ đang trình diễn trên sân khấu. Họ sẽ nhận ra, à, hóa ra là mình đã nghe, đã thưởng thức, đã quen thuộc với Jazz từ lâu lắm rồi, chỉ có điều họ không nhận ra mà thôi.

Tôi nhận thấy, Jazz không xa lạ với công chúng Việt nhưng những người yêu nhạc Jazz lại thiếu sân chơi, thiếu những chương trình, concert hay. Tôi chỉ giống như một cánh én nhỏ, tuy không làm nên mùa xuân nhưng hy vọng có thể thắp ngọn lửa nhen nhóm trong các bạn trẻ, tạo nên một sân chơi kêu gọi đồng nghiệp và những người yêu thích nhạc Jazz đứng cạnh nhau, cùng dựng nên cộng đồng yêu nhạc Jazz tại Việt Nam.

(Đồ họa: Hà Thành)

- 10 năm trước, khi mới tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Malmo (Thụy Điển) về nước, anh đã thực hiện 3 đêm nhạc riêng. Tâm thế của anh trong 2 lần tổ chức đêm nhạc khác nhau thế nào?

Tôi thực hiện 3 đêm nhạc riêng ở cả Hà Nội và TP.HCM. Khi đó, tôi mới về nước vài tháng nhưng nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, các đồng nghiệp, đặc biệt là các thầy và bạn học bên Thụy Điển. Đó là đêm nhạc chỉ bao gồm các bản hòa tấu nhạc Jazz.

Lúc thực hiện các đêm nhạc này, gia tài lớn nhất của tôi là niềm đam mê lớn, là sức trẻ, là khát khao được cống hiến, đem hết những gì mình học được trong suốt những năm tháng trước đó để trình diễn cho khán giả. Tôi muốn mời gọi mọi người tới xem mình biểu diễn và muốn thuyết phục họ rằng, nhạc Jazz là thế đó, nhạc Jazz hay vậy đó.

10 năm qua, tôi đã có thêm nhiều trải nghiệm và sự trưởng thành. Tôi không còn đơn thuần là nhạc công mà còn là nhà sản xuất. Giờ đây, tôi tổ chức các đêm nhạc với mong muốn đưa Jazz chảy trong các dòng nhạc khác, để khán giả đón nhận dễ dàng hơn. Đó là lý do 50% thời gian của đêm nhạc sẽ dành cho hòa tấu, 50% còn lại là sự thể hiện của các ca sĩ.

- Các giọng ca được anh mời tham gia đêm nhạc đều là nghệ sĩ nổi tiếng hoặc có cá tính rất đặc biệt trong thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay. Anh có nhận xét gì về họ?

Tùng Dương là bạn học của tôi ở Học viện âm Nhạc Quốc gia. Đây là nghệ sĩ có lửa đam mê, luôn luôn rực cháy và học hỏi không ngừng. Tôi và Dương không có nhiều cơ hội gặp gỡ nhau, nhưng nếu có dịp, chúng tôi đều bàn luận không ngớt về Jazz. Tôi tìm thấy ở Tùng Dương sự đồng cảm lớn về thể loại âm nhạc này.

Mới đây, tôi phối hai bài trong chương trình Music Home cho Tùng Dương hát theo phong cách Jazz. Dương rất thích thú với các bản phối của tôi. Cái "điên", cái cháy hết mình của cậu ấy rất phù hợp với tinh thần của nhạc Jazz. Tôi rất nể phục Tùng Dương.

Còn Bùi Lan Hương tôi quen khi có dịp làm việc chung trong một đêm nhạc. Lúc đó, Hương đang học nhạc Jazz tại Singapore. Hiện giờ cô ấy đã tốt nghiệp. Tôi rất thích cách hát của Hương - nhẹ nhàng, bay bỏng và rất chill.

Lê Hiếu là người anh em, người bạn của tôi. Trước đây Hiếu học pinao và chúng tôi cùng học với nhau. Hiếu là nghệ sĩ rất chỉn chu, có chất giọng đẹp, trữ tình, cuốn hút khán giả. HIếu hát nhạc xưa rất hay.

Tôi biết Hà Lê khi chỉ mới tham gia các hoạt động thuộc giới underground chứ chưa phủ sóng như bây giờ. Thể loại mà Hà Lê chơi là hip hop, R&B, đó là con đẻ của nhạc Jazz. Sự ngẫu hứng, cháy hết mình khi lên sân khấu, đôi khi quên cả mình là ai của Hà Lê rất phù hợp với tiêu chí show diễn của tôi.

Thông qua các ca sĩ này, tôi muốn thể hiện sự phủ rộng của Jazz. Thể loại nhạc này được nhiều người coi là khó nghe nhưng thực chất, nó đã phủ sóng tới mọi thể loại âm nhạc, từ cổ điển, R&B, hiphop tới nhạc xưa. Mỗi thể loại nhạc khi khoác lên mình nhạc Jazz đều trở nên rất thú vị.

 

'Hãy nhớ tới tôi là nghệ sĩ nhạc Jazz'

- Anh là nhạc công piano, được đào tạo bài bản về Jazz, từng là giảng viên khoa Nhạc Jazz tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Thế nhưng nhắc tới Tuấn Nam, nhiều khán giả mới chỉ biết anh là thành viên của ban nhạc Anh Em, những người đứng đằng sau sự thành công của diva Mỹ Linh?

10 năm qua, tôi may mắn khi đứng trong hàng ngũ của ban nhạc Anh Em. Đó là trải nghiệm rất lớn, đem lại rất nhiều kinh nghiệm, thuận lợi và tiếng tăm cho tôi. Sau 10 năm, làm rất nhiều chương trình, chơi rất nhiều thể loại âm nhạc, tôi muốn tìm lại cái gốc mình được đào tạo từ nhỏ. Tôi lại có khát khao cháy bỏng được làm nghệ sĩ biểu diễn.

Hai đêm nhạc sắp tới cũng đánh dấu một cột mốc trong sự nghiệp của tôi. Tôi chính thức tách ra khỏi ban nhạc Anh Em để đi con đường của riêng mình.

- Khi anh bày tỏ ý định rời ban nhạc Anh Em, những người gắn bó với anh trong suốt 10 năm qua nói gì?

Các anh đều biết đây là thời điểm thích hợp để tôi đi con đường của riêng mình. Anh Anh Quân có nói với tôi, dù không còn đứng chung dưới một mái nhà nhưng khi cần, tất cả các thành viên trong ban nhạc sẽ sẵn sàng hỗ trợ tôi bằng tất cả khả năng của họ.

- Dù các thành viên khác khẳng định sẽ hỗ trợ nhưng 2 đêm nhạc khởi đầu con đường riêng của anh lại hoàn toàn không có bóng dáng bất cứ ai trong ban nhạc Anh Em. Anh có sợ mọi người nghĩ, có thể giữa anh và họ có mâu thuẫn nào đó?

Mâu thuẫn à? Có chứ. Ở đâu chả có mâu thuẫn. Bất cứ mối quan hệ nào chả có lúc vướng phải khúc mắc. Giữa những người anh em ruột thịt cũng có lúc không tìm được tiếng nói chung. Nhưng nếu mâu thuẫn tạo nên sự phát triển thì lại là điều tốt.

Trong suốt 10 năm gắn bó với ban nhạc Anh Em, cũng có những lúc chúng tôi không tìm được tiếng nói chung. Nhưng trong lúc đó, tôi cũng như các thành viên khác đều rất lạc quan. Chúng tôi luôn nghĩ, không điều gì là không thể vượt qua được, quan trọng là chúng ta có thực sự muốn hay không.

(Đồ họa: Hà Thành).

- Là nghệ sĩ nhạc Jazz nhưng 10 năm chơi trong bạn nhạc Anh Em, không thường xuyên được chơi thể loại nhạc mình yêu thích và được đào tạo bài bản. Anh có nghĩ đó là sự đánh đổi?

Không hẳn là sự đánh đổi. Tham gia ban nhạc Anh Em, tôi có cơ hội học hỏi cái hay của những thể loại âm nhạc khác. Khi học hỏi được, tôi có thể đưa Jazz len lỏi vào các thể loại nhạc đó, đưa Jazz đến gần công chúng hơn. Đó là khoảng thời gian tôi trải nghiệm, học hỏi và trưởng thành hơn.

Với ban nhạc Anh Em, có thể tôi không có nhiều cơ hội chơi Jazz standard như trong các album của Mỹ Linh, chẳng hạn Tóc Ngắn Aucoustic có những bài thể hiện đậm nét của nhạc Jazz. Tôi rất thích thú khi đưa Jazz vào ngôn ngữ của âm nhạc Anh Em.

Từ bây giờ trở đi, tôi muốn mọi người nhớ tới Tuấn Nam là nghệ sĩ, nhà sản xuất nhạc jazz

Nghệ sĩ Tuấn Nam

Có những lúc tôi khát khao có chút thời gian để chơi thể loại nhạc mình yêu thích, nhưng nhạc của Anh Em là Funky, Fusion - Đó có thể coi là các nhánh của nhạc Jazz.

10 năm gắn bó với ban nhạc Anh Em không phải là thời gian tôi bị thu hẹp hoặc gò bó. Có thể trong 10 năm đó, tôi không được thỏa sức, được bay với đam mê nhạc Jazz nhưng bù lại, tôi có những kinh nghiệm rất quý.

Tôi vẫn mong khán giả nhớ tới mình với tư cách là thành viên của ban nhạc Anh Em. Tôi cũng không bao giờ quên những ngày tháng chơi nhạc cùng với các anh nhưng từ bây giờ trở đi, tôi muốn mọi người nhớ tới Tuấn Nam là nghệ sĩ, nhà sản xuất nhạc Jazz. Tôi sẽ tổ chức nhiều show, các cuộc đàm thoại, ra nhiều tác phẩm và có cộng đồng lớn mạnh hơn để được khán giả đón nhận. 

Tuy vậy, bất cứ khi nào ban nhạc Anh Em cần, tôi cũng vẫn sẽ xuất hiện. 10 năm sống trong ngôi nhà Anh Em rất tình cảm, tôi sẽ không bao giờ quên.

Nguyễn Tuấn Nam là người duy nhất của Học viện Âm nhạc Quốc gia được đặc cách tuyển thẳng vào Học viện Âm nhạc Malmo (Thuỵ Điển) vào năm 2007, nhận học bổng toàn phần khoá đào tạo cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành Piano Jazz mà không phải qua bất kỳ vòng thi tuyển nào.

Anh có nhiều hoạt động đáng ghi nhớ trong thời gian học tập tại nước ngoài như biểu diễn cùng nghệ sĩ Buzor (Đan Mạch). Cả hai lưu diễn và gặt hái nhiều thành công tại: Festival danh tiếng Sata - Hame Soi 2009 (Phần Lan), Triển lãm âm nhạc thế giới tại Frankfurt (Đức), Jazzcruise Sinjaline (Thuỵ Điển) và nhiều liên hoan âm nhạc khác tại Thuỵ Điển, Đan Mạch.

Khi vừa trở về nước năm 2010, anh tổ chức liveshow đầu tiên tại Nhà Hát Lớn Hà Nội và Nhà hát TP.HCM với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng: Nhóm tam tấu Trio Per Oscar Nilsson (Thuỵ Điển) và NSƯT Quyền Văn Minh, nghệ sĩ saxophone jazz Quyền Thiện Đắc và thầy anh, GS Hakan Rydin.

Tuấn Nam là nhà sản xuất âm nhạc, giám đốc âm nhạc và kĩ thuật cho nhiều dự án, chương trình ca nhạc lớn ở Việt Nam như liveshow Hoàng Quyên, Kenny G Live in Concert, Live in concert BoneyM - Chris Norman… Anh kết hợp cùng nhiều ca sĩ nổi tiếng như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam, Oplus… để đưa ra nhiều sản phẩm âm nhạc chất lượng cao.

Thu Giang - Hữu Dánh

Tin mới