'Ai-Da', robot được lập trình đặc biệt đang trình diễn các kỹ năng của mình tại Bảo tàng Thiết kế của London, Anh. 'Ai-Da' là kết quả hợp tác giữa công ty robot 'Engineeered Arts' và các chuyên gia tại Đại học Oxford, những người phát triển các thuật toán AI. Nó được thiết kế để mang ngoại hình và giọng nói của một cô gái.
Robot này có thể 'nhìn thấy' với sự trợ giúp của camera kết nối với hệ thống thị giác máy tính trong mắt. Camera này giúp Ai-Da chụp lại hình ảnh mà nó nhìn thấy.
'Ai-Da' và bức chân dung tự họa.
Ai-Da sẽ soi gương để AI mã hóa hình ảnh trong gương thành tọa độ, sau đó điều khiển cánh tay Ai-Da thực hiện động tác vẽ theo các tọa độ tương ứng. Ai-Da được lập trình để không tái tạo công việc nên mỗi tác phẩm đều là duy nhất.
"Các bức chân dung là kỹ thuật phân lớp kết hợp”, Aidan Meller, người tham gia sáng tạo nên robot Ai-Da cho hay.
Ba trong số các bức chân dung tự họa của Ai-Da đang được trưng bày từ ngày 18/5 tới ngày 29/8 trong triển lãm với tên gọi "Ai-Da: Chân dung của người máy" tại Bảo tàng Thiết kế của London.
Việc một con robot tiếp cận vào lĩnh vực từ lâu nay là đặc điểm riêng của con người như nghệ thuật và tưởng tượng gây ra làn sóng tranh cãi.
"Một số người cho rằng Ai-Da là điều tồi tệ nhất từ trước đến nay và cảm thấy bị đe dọa, một số lại cảm thấy phấn khích. Sự tồn tại của nó theo cách nào đó là sai và chúng tôi nhận thức được điều đó", Aidan Meller, một trong những người sáng tạo ra Ai-Da và là chủ sở hữu phòng trưng bày cho hay.
"Đưa Ai-Da vào bảo tàng và trưng bày các tác phẩm của nó sẽ đặt ra câu hỏi sáng tạo là gì? Liệu một người máy có thể tạo ra nghệ thuật không? Tôi nghĩ đây là những câu hỏi mà chúng ta không đặt ra nhiều trong cuộc sống hàng ngày, ngay cả khi chúng ta tương tác với công nghệ mọi lúc", Priya Khanchandani, người người phụ trách tuyển chọn các tác phẩm nghệ thuật tại bảo tàng nói.