Cây đinh lăng lá nhỏ được ví là nhân sâm của người nghèo, thậm chí nó còn ít độc hơn cả nhân sâm. Ngoài tác dụng bồi bổ cơ thể, đinh lăng còn chữa được rất nhiều bệnh. Vậy rễ đinh lăng có dùng được không và rễ đinh lăng nấu nước uống có tác dụng gì?
Tác dụng của cây đinh lăng
Đinh lăng còn gọi là cây gỏi cá, nam dương sâm. Tên khoa học Panax fruticosum L., thuộc họ Ngũ gia bì - Araliaceae.
Theo bác sĩ Lê Thân, Bệnh viện Y học Cổ truyền Quảng Nam, tác giả sách "Thuốc ở quanh ta", dân gian thường dùng lá đinh lăng phơi khô đem lót gối hoặc trải giường cho trẻ nằm để đề phòng kinh giật.
Dùng lá sắc cho phụ nữ sau sinh uống thấy cơ thể nhẹ nhõm, khoẻ mạnh, có nhiều sữa. Lá non dùng làm rau ăn sống. Lá đinh lăng phơi khô, nấu lên có mùi thơm đặc trưng, dân gian thường gọi là “mùi thuốc bắc”, lá tươi không có mùi thơm này.
Đã từ lâu, Đông y nước ta dùng đinh lăng lá nhỏ dưới dạng thuốc sắc, rượu ngâm hoặc bột khô để chữa các chứng ho, đau tức vú, tắc tia sữa, làm lợi sữa, làm thuốc tăng lực.
Rễ đinh lăng nấu nước uống có tác dụng gì?
Rễ đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết.
Rễ đinh lăng nấu nước uống có tác dụng gì?
Theo các chuyên gia, người ta thu hoạch rễ đinh lăng vào mùa thu- đông ở những cây đã trồng được 3 năm trở lên. Lúc này rễ mềm, có nhiều hoạt chất, bạn cần rửa sạch, cắt bỏ phần rễ sát với gốc thân. Nếu rễ nhỏ bạn cần dùng cả, rễ to chỉ dùng vỏ rễ.
Bạn thái nhỏ rễ, phơi khô ở chỗ mát, thoáng gió đảm bảo mùi thơm và phẩm chất. Khi dùng, bạn cần để nguyên hoặc tẩm rượu gừng 5%, sao qua rồi tẩm 5% mật ong, sao thơm. Dược liệu có tên thuốc trong y học cổ truyền là nam dương lâm, vị ngọt nhạt, hơi đắng, mùi thơm, tính mát bình không độc.
Dưới đây là các bài thuốc từ rễ đinh lăng được trích đăng trên Báo Sức khỏe & Đời sống:
Thuốc sắc: Rễ đinh lăng thái nhỏ, sao vàng 8-16g, sắc với 400ml nước còn 100ml, dùng cho phụ nữ sau khi sinh đẻ, uống thay chè để chống đau dạ con và làm tăng tiết sữa (Hải Thượng Lãn Ông).
Thuốc ngâm rượu: Rễ đinh lăng khô 100g không sao tẩm, tán nhỏ, ngâm với 1 lít rượu 30-35 độ trong 7-10 ngày. Thỉnh thoảng lắc đều. Ngày dùng 2 lần, mỗi lần 5-10ml trước bữa ăn nửa giờ.
Thuốc hãm: Rễ đinh lăng đã sao tẩm 5-10g, thái nhỏ, hãm với nước sôi như hãm trà, uống làm nhiều lần trong ngày.
Thuốc bột và thuốc viên: Rễ đinh lăng sao tẩm 100g, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 0,5-1g. Hoặc trộn bột đinh lăng với mật ong vừa đủ làm thành viên, mỗi viên 0,25 - 5g. Ngày uống 2-4 viên, chia làm 2 lần.
Rễ đinh lăng phối hợp với nhiều vị thuốc khác còn chữa được những bệnh sau:
- Chữa sốt lâu ngày, nhức đầu, háo khát, đau tức ngực, nước tiểu vàng: Rễ đinh lăng tươi 30g, lá hoặc vỏ chanh 10g, vỏ quýt 10g, rễ sài hồ 20g, lá tre 20g, cam thảo dây 30g, rau má 30g, chua me đất 20g. Tất cả thái nhỏ, đổ ngập nước, sắc đặc lấy 250ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
- Chữa thiếu máu: rễ đinh lăng, hà thủ ô, thục địa, hoàng tinh mỗi vị 100g; tam thất 20g, tán nhỏ, rây bột sắc uống ngày 100g.
Chữa viêm gan mạn tính: rễ đinh lăng 12g, nhân trần 20g, ý dĩ 16g, chi tử, hoài sơn, biển đậu, rễ cỏ tranh, xa tiền tử, ngũ gia bì mỗi vị 12g; uất kim, ngưu tất mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Chữa liệt dương: rễ đinh lăng, hoài sơn, ý dĩ, hoàng tinh, hà thủ ô, kỷ tử, long nhãn, cám nếp, mỗi vị 12g; trâu cổ, cao ban long mỗi vị 8g, sa nhân 6g. Sắc suống trong ngày.
Như vậy rễ đinh lăng nấu nước uống có tác dụng tốt cho phụ nữ sau sinh. Hải Thượng Lãn Ông đã dùng rễ đinh lăng sao vàng, khử thổ, sắc cho phụ nữ sau khi sinh đẻ uống để chống đau dạ con và làm tăng tiết sữa.