Thỏa thuận ngày 15/11 về hình thành Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa 10 thành viên ASEAN và Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand sẽ có tác động kinh tế với Liên minh châu Âu (EU), khi ngày càng nhiều hoạt động kinh tế sôi động diễn ra ở phía Đông, theo chuyên gia.
Lễ ký kết trực tuyến hiệp định RCEP.
Nhìn từ quan điểm của các công ty châu Âu, RCEP là một hiệp định thương mại tự do giữa 3 cường quốc sản xuất là: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc - và một khu vực rộng lớn ở châu Á. Theo RCEP, Trung Quốc cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 86% hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản, bao gồm cả phụ tùng ô tô. Ba quốc gia đã cùng nhau tạo ra 5,3 nghìn tỷ USD giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất trong năm 2019, nhiều hơn 1 nghìn tỷ USD so với Mỹ và EU cộng lại.
Ngoài dân số Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là 1,6 tỷ, RCEP cho phép tiếp cận thêm 675 triệu người ở ASEAN, Australia và New Zealand, với dân số nhiều hơn cả EU. Tại khu vực này, Châu Á - Thái Bình Dương, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được Ngân hàng Thế giới dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ gấp 2-3 lần ở Châu Âu và Hoa Kỳ trong vòng 10 năm tới.
Tác động kinh tế
Các tác động kinh tế trực tiếp của RCEP đối với nền kinh tế châu Âu có thể chưa lớn nhưng chắc chắn không phải là không đáng kể và sẽ đến từ từ, theo chuyên gia Uri Dadush, nhà nghiên cứu Trung tâm Chính sách New South tại Morroco.
Nông nghiệp sẽ ảnh hưởng nhẹ bởi thỏa thuận với việc cắt giảm thuế quan trong lĩnh vực sản xuất. Hải quan và các loại điều khoản cải cách quy định nâng cao thương mại khác sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hội nhập của khu vực.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, EU cần lưu ý việc dịch chuyển xuất khẩu của mình sang các thành viên RCEP do ưu đãi dành cho các bên ký kết khác, được gọi là chuyển hướng thương mại.
Những tác động khác của RCEP đối với nền kinh tế châu Âu có ba dạng. Thứ nhất, người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu đầu vào trung gian từ RCEP có khả năng được hưởng lợi từ giá thấp hơn, phản ánh sự thúc đẩy hiệu quả trong các chuỗi giá trị trong khu vực.
Thứ hai, các nhà xuất khẩu sang RCEP sẽ được hưởng lợi nhuận biên từ thu nhập cao hơn của khu vực và - rất có thể - tăng trưởng bền vững nhanh hơn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cạnh tranh với RCEP, dù ở châu Âu hay thị trường thứ ba, sẽ gặp sự cạnh tranh nhất định, nên họ sẽ muốn thu được lợi ích từ chuỗi giá trị tích hợp của khu vực.
Ở cấp độ kỹ thuật của các cuộc đàm phán thương mại, thỏa thuận RCEP và sự xuất hiện của Chính quyền mới của Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy EU xác định một chiến lược thương mại châu Á mới, theo chuyên gia.
Một chiến lược như vậy có thể bao gồm việc tham gia CPTPP và đẩy nhanh các hiệp định song phương ở những nơi khác ở Châu Á.
Nếu EU đẩy nhanh các thỏa thuận song phương, sẽ dẫn đến khôi phục các cuộc đàm phán đang bị đình trệ với Malaysia và Thái Lan, đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán với Indonesia và Philippines, đồng thời giải quyết các vấn đề nông nghiệp với Australia và New Zealand.
Việt Nam cam kết gì trong RCEP?
Trước khi RCEP được ký kết, ASEAN đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác. Vậy RCEP có khác biệt gì so với các FTA đã có, nhất là với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA? Cam kết của Việt Nam trong RCEP như thế nào?
Trả lời VTC News về nội dung trên, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, các cam kết của Việt Nam trong RCEP được xây dựng trên cơ sở các cam kết của của Việt Nam trong WTO và các hiệp định FTA giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối mà Việt Nam đã cùng ASEAN tham gia, trong khi CPTPP và EVFTA là các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.
“RCEP được xây dựng phù hợp với trình độ phát triển của tất cả các nước tham gia, đặc biệt là phù hợp với cả một số nước ASEAN vẫn còn là nước kém phát triển. Do vậy, mặc dù không gian kinh tế rộng hơn, dân số lớn hơn nhưng RCEP cũng có nhiều linh hoạt cho các nước tham gia hơn”, ông Tuấn Anh nói.
Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, các nước tham gia RCEP cũng xác định đây là bước đi ban đầu, hướng đến các mức độ hợp tác cao hơn khi các nước đã sẵn sàng.
Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán RCEP, các nước cũng đã nỗ lực và thống nhất được một số lĩnh vực mới chưa được cam kết trong các hiệp định FTA của ASEAN trước kia như thương mại điện tử, chính sách cạnh tranh, mua sắm của Chính phủ, với nội dung và mức cam kết phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam và các nước ASEAN khác.
Các nội dung mới này đã có trong các FTA thế hệ mới như CPTPP, hay Hiệp định Thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) nhưng được đề cập ở mức độ cao hơn trong các FTA thế hệ mới này.
“Nhìn chung, Việt Nam đạt được mức độ cam kết hài hòa trong RCEP, có cao hơn các FTA ASEAN + hiện có nhưng thấp hơn các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Nội dung RCEP ngay sau đây sẽ được công bố để các doanh nghiệp nghiệp và các đối tượng khác có quan tâm nghiên cứu”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Về lộ trình thực hiện RCEP, người đứng đầu ngành Công Thương cho hay, trước tiên, các nước sẽ dành một khoảng thời gian để các bên tham gia ký kết thông qua hiệp định, theo dự kiến là khoảng 18 tháng. Trong quá trình phê chuẩn, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động chi tiết để triển khai hiệp định.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội, cùng với giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, bộ ngành và địa phương thì sự chủ động và tích cực của doanh nghiệp là quan trọng. Các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động tìm hiểu thông tin về hiệp định, các thị trường đối tác quan tâm. Đặc biệt, cần thay đổi tư duy kinh doanh, lấy sức ép cạnh tranh là động lực để đổi mới.
“Doanh nghiệp cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn, chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn, chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực”, Bộ trưởng nói.