Mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) có công văn gửi đến Công ty TNHH Recess, quản lý sàn thương mại điện tử Lazada.vn, yêu cầu kiểm tra và gỡ bỏ các gian hàng bán sách giả. Động thái này của cơ quan quản lý xuất phát sau khi First News gặp gỡ truyền thông để phát đi thông điệp cứng rắn - kiện Lazada vì bán sách giả.
Ở đâu cũng tìm thấy sách giả
Có thể thấy, First News đang dẫn trước một bàn trong cuộc chiến chống sách giả. Những gì mà ông Nguyễn Văn Phước, CEO First News làm ít nhiều nhận được sự ủng hộ của các công ty trong ngành xuất bản.
Đường sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1, TP.HCM là địa chỉ tin cậy cho bạn đọc mua sách thật. (Nguồn: Facebook Đường sách TP.HCM)
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Saigon Book bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ CEO First News, cho rằng Lazada bị kiện vì cách quản lý các gian hàng không chặt chẽ.
Bà Phương Thảo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sách Thái Hà (Thái Hà Book), người có 13 năm trong nghề cũng thừa nhận, cuộc chiến với sách giả ngày càng gian nan hơn. Nếu trước đây, sách giả chỉ bán ở cửa hàng sách thì nay xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử, sách giả không chỉ bán ở thành phố giờ đã lan ra cả vùng ngoại thành, vùng quê. Sách giả không những được bán trong các hội chợ sách mà còn bán len lỏi ở trong các hội chợ sách cũ.
"Nghĩa là, thời điểm này, ở đâu cũng có thể tìm mua được sách giả", bà Thảo nói.
Cũng chính thời điểm này, những câu hỏi như: Làm sao để chống nạn sách giả? Làm sao để sách giả không có chỗ đứng trên thị trường? ... là câu hỏi lớn, khiến những người làm sách đau đầu suốt bao năm qua.
Bà Phương Thảo cho biết, trước khi trả lời phỏng vấn VTC News, bà đã đi gặp rất nhiều đối tác, những nhà xuất bản, những đồng nghiệp trong ngành để tìm cách hình thành các liên minh chống nạn sách giả. Các bên cam kết cùng chia sẻ thông tin về sách giả cho nhau và những cách đối phó phù hợp với từng thời điểm.
Về lâu dài, ông Tuấn Quỳnh cho rằng, câu chuyện sách giả chỉ có thể lắng xuống chứ không thể triệt tiêu. Do đó, các công ty xuất bản, phát hành sách phải chấp nhận sống chung với sách giả như người dân sống chung với lũ. Ý kiến này của ông Tuấn Quỳnh cũng trùng với ý tưởng khi trả lời những câu hỏi lớn trên của bà Phương Thảo.
Làm sao để sách giả hết đất sống?
Dù chấp nhận suy nghĩ sẽ phải sống chung với sách giả, nhưng theo bà Phương Thảo, các công ty phát hành sách nếu biết cách cũng có thể làm cho sách giả không có đất sống.
Kinh nghiệm của Thái Hà Book đã làm lâu nay là mua sách có bản quyền, sau đó, làm truyền thông cho sách và cố gắng bán sách với giá rẻ, rẻ hơn sách giả. “Chỉ khi sách thật được bán với giá rẻ thì mới mong chiến thắng trong cuộc chiến với sách giả”, bà Phương Thảo nói.
Sau khi xuất bản sách, các tác giả cần tổ chức những buổi giao lưu với bạn đọc để làm truyền thông, thương hiệu cũng là một cách để chống lại sách giả. (Nguồn: Facebook đường sách TP.HCM)
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải mọi cuốn sách làm ra đều có thể bán với giá thấp được. Ông Tuấn Quỳnh cho biết, kinh doanh sách vào thời điểm hiện nay có những khó khăn nhất định nên không phải cuốn sách nào khi xuất bản đều được in với số lượng lớn.
“Ngoài các chi phí khác, giá một cuốn sách cao hay thấp sẽ phụ thuộc vào số lượng sách sẽ in ra, chỉ những cuốn nào được in với số lượng lớn, giá bán mới thấp được”, ông Tuấn Quỳnh giải thích.
Theo bà Phương Thảo, các công ty phát hành sách không làm sách giả vì họ có đạo đức của người làm nghề, sách giả đến từ các cơ sở in ấn với chất lượng thấp và bán giá rẻ. Trước vấn nạn này, các công ty làm sách cần tự bảo vệ mình như phản ánh tình trạng sách giả lên cơ quan chức năng, đi liền với đó là làm thương hiệu, truyền thông cho mỗi cuốn sách trước và sau khi xuất bản.