Các trường hợp thiệt mạng đầu tiên được ghi nhận vào tháng 6/2016, nhưng các cán bộ kiểm lâm tại khu rừng rậm Maharashtra, miền Trung Ấn Độ khi đó không cho rằng đây là vấn đề nghiêm trọng. Nhưng khi số lượng nạn nhân tăng vọt tới hơn chục người, giới chức địa phương năm 2017 đã phải mở một chiến dịch truy tìm con hổ hung ác.
Đã được hơn một năm kể từ khi chiến dịch được triển khai, nhưng T1 vẫn chưa từng một lần mắc bẫy. Ông Sunia Limaye, một quan chức kiểm lâm trong vùng nói rằng T1 rất thông minh, nó sẽ không bén mảng tới gần mồi nhử nếu phát hiện có bất cứ điều gì bất thường dù là nhỏ nhất.
Mọi nỗ lực truy bắt con hổ cái đều thất bại. (Ảnh: ABC News)
Việc con hổ sát thủ chưa sa lưới khiến người dân sống ở 25 ngôi làng quanh khu rừng Maharashtra luôn phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu. Một số nhân chứng khẳng định đã tận mắt chứng kiến cảnh con hổ ăn hết 60-70% cơ thể của nạn nhân, điều này khiến họ không khỏi lo ngại cho an nguy bản thân mình.
Nỗi sợ hãi càng trở nên lớn hơn khi T1 được cho là đã sinh 2 con hổ con.
Trong vài tháng tháng trở lại đây, chính phủ đã dùng mọi biện pháp có thể vây bắt nhưng đều vô ích. 5 con voi đã được đưa vào đội tuần tra để điều hướng tới các khu vực mà xe jeep không thể tiếp cận. Các máy bay không người lái với khả năng cảm biến nhiệt cùng chó, dù lượn đều đã được huy động cùng các thợ săn lành nghề nhưng không hiệu quả. Bộ lâm nghiệp cũng đã triển khai 104 bẫy có gắn máy quay nhưng con vật không hề bén mảng tới gần.
Mặc cho nỗ lực săn lùng của giới chức, con hổ vẫn sống khỏe và còn sinh thêm 2 con non.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực này, hàng ngàn người lại đang kêu gọi chính phủ Ấn Độ không giết hại T1.
Những nhà bảo vệ động vật gọi nó là "Avni", nghĩa là Mẹ trái đất. Họ khẳng định con vật đã buộc phải tấn công người khi bị lấn chiếm môi trường sinh sống.
Tuy nhiên, các quan chức khẳng định họ đã được tòa án chấp thuận để bắn chết con hổ, nhưng khẳng định đó là giải pháp cuối cùng nếu nỗ lực kiểm soát con vật ăn thịt người bằng thuốc mê không có hiệu quả.
"Chúng tôi không muốn giết nó nhưng mọi việc ngày càng khó khăn. Có quá nhiều bụi rậm trong rừng nên việc nhắm bắn con vật bằng thuốc gây mê dường như là không thể", ông Sunil Limaye, một quan chức hàng đầu của Cục Lâm nghiệp Maharashtra cho biết.