Rác thải nhựa đại dương không chỉ đe dọa phá hoại hệ sinh thái biển, mà còn tiềm ẩn mối nguy vô hình với sức khỏe con người. Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), rác thải nhựa và hạt vi nhựa được ghi nhận xuất hiện ở mọi nơi trong môi trường biển của Trái đất, kể cả dưới tầng sâu của Rãnh Mariana.
Các đại dương trên thế giới hàng năm phải tiếp nhận hơn 9 triệu tấn rác nhựa, đe dọa môi trường sống và sự sinh tồn của các loài động vật hoang dã, với hơn 270 loài được ghi nhận có thể đã bị tổn thương bởi các ngư cụ bị vứt bỏ và các loại nhựa thải bỏ gây ra. Ngoài ra, 240 loài đã được ghi nhận có cá thể nuốt phải nhựa.
Đây là vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe của hệ sinh thái biển và của loài người.
Hạt vi nhựa được thu thập ở khu vực Vịnh San Francisco, được dán nhãn để nghiên cứu.
Nỗi lo từ hạt vi nhựa
Một buổi trưa như mọi ngày, Dunzhu Li, kỹ sư môi trường, đang dùng bữa cùng bạn bè. Anh để thức ăn vào hộp, rồi đặt vào lò vi sóng để làm nóng. Đến một ngày, Li phát hiện các hạt nhựa li ti rơi từ hộp nhựa xuống các phần thức ăn, nước uống của mình.
"Chúng tôi bị sốc", Li kể lại. Anh cùng đồng nghiệp lập tức từ bỏ thói quen này.
Những hạt nhựa nhỏ bé, với đường kính dưới 5mm mà Li khám phá được gọi là hạt vi nhựa. Loạt hạt này tồn tại ở hầu hết các vật dụng là bằng nhựa. Theo tạp chí khoa học Nature, nếu phụ huynh sử dụng chai nhựa để lắc sữa nóng cho con, đứa trẻ có thể nuốt tới hàng triệu hạt vi nhựa mỗi ngày.
Vi nhựa đang tạo ra bài toán khó cho giới khoa học. "Mọi người đều ăn, rồi hít phải cát và bụi. Không rõ liệu chế độ ăn thêm có hạt nhựa có gây hại cho chúng ta hay không", Nature đặt câu hỏi. Theo Dunzhu Li, hạt vi nhựa tiềm ẩn tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.
Hạt vi nhựa tồn tại ở khắp mọi nơi: trong lòng đại dương, trong tuyết Bắc Cực và băng Nam Cực, trong động vật có vỏ, muối ăn, nước uống và bia, và trôi trong không khí hoặc rơi theo mưa trên các ngọn núi và thành phố.
"Chúng bay trong gió, hòa trong cát biển, và có cả trong cơ thể người", National Geographic nhận xét về hạt vi nhựa. Tamara Galloway, nhà độc chất học sinh thái học tại Đại học Exeter (Anh) khẳng định: "Hầu hết sinh vật đều tiếp xúc với vi nhựa". Nhiều hạt chỉ có thể nhìn thấy bằng kính hiển vi, nhưng mất nhiều thập kỷ để phân hủy hoàn toàn.
Vi nhựa được tìm thấy trong dạ dày của rùa biển Hawaii.
Theo các tạp chí khoa học hàng đầu như Nature, National Geographic, hiện chưa có nghiên cứu cụ thể cho thấy về lượng vi nhựa mà cơ thể có thể chịu được hoặc mức độ thiệt hại mà chúng gây ra.
Các nghiên cứu hiện có dựa trên các thí nghiệm sử dụng tế bào hoặc mô người tiếp xúc với vi nhựa, hoặc sử dụng động vật như chuột cống.
Nghiên cứu chỉ ra rằng những con chuột được cho ăn một lượng lớn vi nhựa đều bị viêm ruột non. Những con chuột tiếp xúc với vi nhựa có số lượng tinh trùng thấp hơn, sinh ra chuột con nhỏ hơn nhóm còn lại.
Năm 2017, một nghiên cứu tại Đại học King ở London chỉ ra rằng theo thời gian, việc hạt vi nhựa tích lũy trong cơ thể người có thể tạo ra độc tố. Các loại nhựa khác nhau có đặc tính độc hại khác nhau.
Xem xét tác động của việc ăn hải sản bị nhiễm vi nhựa, các nhà nghiên cứu từ John Hopkins cho rằng nhựa tích tụ có thể làm hỏng hệ thống miễn dịch và phá vỡ sự cân bằng của ruột.
Mối đe dọa từ rác thải nhựa đại dương
Theo Nature, mức độ vi nhựa hiện tại trong môi trường quá thấp để ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, số hạt vi nhựa sẽ tăng theo thời gian.
Một nghiên cứu cho thấy lượng rác thải nhựa đổ ra đất liền và biển vào năm 2040 ước đạt 380 triệu tấn, cao gấp đôi con số 188 triệu tấn vào năm 2016. Trong số này, 10 triệu tấn sẽ tồn tại ở dạng vi nhựa. Chúng ngấm vào lòng nước, hấp thu vào cơ thể động vật biển, rồi có thể tìm đến cơ thể người thông qua đường ăn uống.
Vi nhựa xuất hiện ở mọi nơi bởi tính phổ biến và khó phân hủy.
Để ngăn chặn sự xâm lấn của của vi nhựa nói riêng, rác thải nhựa nói chung đến sức khỏe con người và môi trường tự nhiên, các quốc gia cần các chính sách, giải pháp cụ thể để giảm thiểu, xử lý hiệu quả rác thải nhựa đổ ra đại dương.
Việt Nam là một trong số các quốc gia hiện đang phát thải nhiều rác nhựa nhất vào các đại dương. Theo các số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank), ước tính Việt Nam đã thải ra trên 31 triệu tấn rác thải sinh hoạt và gần 5 triệu tấn rác thải nhựa chỉ riêng trong năm 2018.
Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) đánh giá: nhựa chiếm đến 64% tỷ lệ vật liệu dùng trong ngành bao gói, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên.
Trong khi đó chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa được thu gom chủ yếu bởi những người nhặt rác và tái chế bởi các doanh nghiệp nhỏ. Còn lại đang được chuyển vào các bãi rác lộ thiên, thậm chí là thải trực tiếp ra môi trường.
Nghiêm trọng hơn, chỉ có khoảng 20% rác được xử lý bằng phương pháp chôn lấp ở các bãi hợp vệ sinh. Đa phần các bãi rác tại Việt Nam đều đã quá tải, các lò đốt có công nghệ đơn giản, cũ và lạc hậu, chưa kiểm soát được chất lượng không khí, thậm chí là bị hỏng do rác không được phân loại trước khi xử lý.
Giải pháp bền vững
Việt Nam đang nỗ lực giảm thiểu, xử lý hiệu quả rác thải nhựa trên nhiều phương diện, trong đó có xúc tiến tham gia Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương và hợp tác quốc tế với các tổ chức như WWF, UNDP, MCD,...
"Thay thế nhựa không dễ. Nhựa có rất nhiều đặc tính ưu việt hơn các vật liệu khác như bền, nhẹ dẻo, rẻ tiền, có thể tái chế. Vấn đề là ở chỗ cách sử dụng và quản lý sau sử dụng để giảm lượng thất thoát và gây hại cho môi trường. Vì vậy định hướng của WWF và Dự án là thúc đẩy việc sử dụng và quản lý hiệu quả thay vì thay thế.
Chúng tôi chú trọng vào việc giảm thiểu sử dụng, thải bỏ đúng cách, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất với bao bì và tuần hoàn trong sử dụng nhựa", ông Tạ Anh Tuấn - quản lý Dự án giảm thiểu Rác thải nhựa đại dương của WWF-Việt Nam chia sẻ một phần kế hoạch với VTC News.
Việt Nam cũng bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Đến năm 2030, hướng tới giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần,...
Đồ nhựa dùng một lần cần bị loại trừ dần khỏi cuộc sống, thay thế bằng những vật liệu thân thiện với môi trường. Con người phải chuẩn bị những giải pháp bền vững thảm họa môi trường đã ở rất gần.
"Chẳng ích gì khi sản xuất ra những thứ tồn tại trong 500 năm và sau đó sử dụng chúng trong 20 phút. Đó là cách làm thiếu bền vững", Galloway kết luận.