VinFast vừa giới thiệu 3 dòng xe điện SUV thông minh đầu tiên là VF31, VF32 và VF33, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, sở hữu tính năng tự hành. Sự kiện này không chỉ khiến người tiêu dùng ngạc nhiên mà còn được giới chuyên gia đánh giá rất cao.
Định danh ô tô điện Việt
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng ở nhiều nước phát triển, ô tô điện đang phát triển mạnh mẽ, đe dọa sự tồn vong của xe sử dụng nhiên liệu xăng, dầu. Nhưng ở Việt Nam, ô tô chạy năng lượng mới còn khá xa lạ. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí cho xe xe động cơ đốt trong truyền thống, sử dụng nhiên liệu hóa thạch rẻ, nhiên liệu phổ biến trong khi ô tô điện tốn kém chi phí, thời gian sạc và hạ tầng hạn chế.
TS Nguyễn Trí Hiếu.
Tuy nhiên việc VinFast giới thiệu ba dòng xe SUV mới lắp động cơ điện là “tín hiệu mừng”, cho thấy doanh nghiệp trong nước đã theo kịp và vượt khỏi tầm quốc gia để vươn tầm thế giới, giúp đưa các sản phẩm thương hiệu Việt tới gần hơn với người tiêu dùng toàn cầu. Đồng thời khẳng định năng lực nghiên cứu, phát triển và năng lực triển khai các sản phẩm đẳng cấp cao, mang tính tiên phong của doanh nghiệp Việt Nam.
“Nghiên cứu, phát triển ô tô điện thông minh là xu hướng phù hợp nhu cầu hiện tại và tương lai. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ năng lực triển khai mà cần những thương hiệu lớn, có uy tín và mang trong mình khát vọng vươn tầm vóc ra thương trường quốc tế dẫn dắt”, chuyên gia nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), cho rằng ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam vẫn đang phát triển chậm cả về số lượng và chất lượng so với nhiều quốc gia trong khu vực. Để thúc đẩy lĩnh vực này, ngoài những lực đẩy mạnh mẽ hơn nữa từ chính sách và quản lý nhà nước, cần có những doanh nghiệp tiên phong dám nghĩ dám làm, khơi mào, tạo cảm hứng.
“VinFast là hãng xe tiên phong dù còn non trẻ. Tuy nhiên việc ra đời những chiếc ô tô điện thông minh “made in Việt Nam” không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, đưa Việt Nam định danh vào bản đồ công nghiệp ô tô thế giới”, ông Long nói.
Cốt lõi là chất lượng
Vẫn theo ông Ngô Trí Long, dù VinFast “tung” 3 mẫu xe điện tự lái, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI chỉ sau 3 năm đi vào hoạt động khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, kinh ngạc. Tuy nhiên với những thành công trong thời gian qua, VinFast đã khẳng định năng lực nghiên cứu, phát triển và năng lực triển khai các sản phẩm đẳng cấp cao của mình.
VinFast giới thiệu ba dòng xe SUV mới lắp động cơ điện, đánh dấu những bước đi đầu tiên tiến vào thị trường này.
Ông Long cũng cho rằng việc ra mắt các dòng ô tô điện công nghệ cao, trước đó là xe máy điện, xe buýt điện… nằm trong lộ trình định sẵn của VinFast ngay từ khi gia nhâp thị trường ô tô 3 năm trước.
Theo chuyên gia, để hiện thực hóa kế hoạch kế hoạch vươn tầm thế giới của mình, để cạnh tranh với các nước khác thì yếu tố quan trọng nhất là chất lượng tiêu chuẩn toàn cầu, giá cả phải chăng và phong cách phục vụ. “Để thành công khi ra bên ngoài biên giới quốc gia, VinFast phải trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình”, ông Long nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đi tiên phong cũng cần có chính sách hỗ trợ từ nhà quản lý. Kinh nghiệm thực tiễn của nhiều quốc gia đã chỉ ra rằng, thuế và phí là những công cụ trong cơ chế thị trường, khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường, góp phần giải quyết các vấn đề lớn, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia như biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính.
Ông Long cho biết các nước trên thế giới rất chú trọng, đặt lộ trình bài bản để phát triển xe điện bằng rất nhiều hỗ trợ khác nhau như chính sách thuế. Do đó, nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ kích thích để doanh nghiệp tham gia sản xuất.
“Nhiều nước đang áp dụng các chính sách ưu tiên, khuyến khích hoặc bắt buộc các hãng phải sản xuất ô tô, xe máy điện. Người dân sẽ nhận được nhiều ưu đãi khi sử dụng xe chạy điện. Việt Nam cũng phải tính đến những chiến lược dài hơi để hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong đầu tư và phát triển xe điện”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chính phủ các nước khác trên thế giới cũng đã đưa ra những lộ trình, chính sách nhằm ủng hộ phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch. “VinFast có thể không cần hỗ trợ về vốn nhưng cần các chính sách”, ông Hiếu nói.
Theo đại diện VinFast, ba dòng xe thông minh đầu tiên của hãng là VF31, VF32, VF33, trong đó VF31 là dòng SUV cỡ vừa (phân khúc C) và chỉ có một phiên bản xe điện, VF32 là xe SUV cỡ trung (phân khúc D), VF33 là xe SUV cỡ đại (phân khúc E). VF32 và VF33 mỗi xe đều có 2 phiên bản điện và xăng.
“Dự kiến xe VF31 phiên bản tiêu chuẩn sẽ bắt đầu nhận đặt hàng tại Việt Nam từ tháng 5/2021, bàn giao xe từ tháng 11/2021. Xe VF32 và VF33 sẽ nhận đặt hàng tại Việt Nam từ tháng 9/2021, bàn giao xe từ tháng 2/2022; tại Mỹ, Canada và châu Âu sẽ nhận đặt hàng từ tháng 11/2021, bàn giao xe từ tháng 6/2022”, thông cáo của VinFast cho hay.
Được biết, cả 3 dòng xe đều sở hữu tính năng tự hành cấp độ 2-3, với 30 tính năng thông minh chia làm 7 nhóm gồm: hệ thống trợ lái thông minh, hệ thống kiểm soát làn thích ứng, hệ thống kiểm soát hành trình chủ động, hệ thống cảnh báo va chạm đa điểm, hệ thống giảm thiểu va chạm toàn diện, hệ thống đỗ xe tự động thông minh và hệ thống giám sát người lái.
Đây cũng là các mẫu SUV nằm trong nhóm ít các xe trên thế giới có nhiều tính năng tự hành cấp độ 3, khẳng định năng lực R&D và năng lực triển khai các sản phẩm đẳng cấp cao, mang tính tiên phong của VinFast.