Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ra mắt cuốn sách 'Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề'

Cuốn sách "Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề" gồm 99 bài báo được chọn lọc kỹ càng với nội dung viết về nhà báo lão thành Phan Quang.

Sáng 6/9, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Đài (7/9/1945-7/9/2018); đồng thời phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền giới thiệu cuốn sách "Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề".

Tới dự có ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Hà Văn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam...

Ông Nguyễn Thế Kỷ (giữa) trao tặng hoa cho nhà báo lão thành Phan Quang và PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, khẳng định những đóng góp to lớn của nhà báo Phan Quang với Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng và ngành phát thanh nói chung.

Năm 1988, khi cố nhà báo Trần Lâm - người anh cả của ngành phát thanh truyền hình Việt Nam nghỉ hưu sau 43 năm gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Phan Quang lúc đó là Thứ trưởng Bộ Thông tin đã được phân công về Đài giữ chức Tổng giám đốc kiêm Tổng biên tập.

"Dù thời điểm đó còn nhiều khó khăn thách thức nhưng với sự nhạy bén dựa trên một trí tuệ mẫn tiệp, cùng vốn kiến thức luôn được cập nhật, Tổng giám đốc kiêm Tổng biên tập Phan Quang cùng Ban lãnh đạo Đài đã đề ra nhiều giải pháp mạnh mẽ, đột phá về nội dung, kỹ thuật, về tổ chức bộ máy.

Đài đã đổi mới khung chương trình, xây dựng nhiều chương trình mới, gần gũi, gắn bó với nhu cầu của công chúng, nâng cao chất lượng nội dung thông tin, tăng cường thời lượng phát sóng từ một hệ phát sóng lên ba hệ phát sóng, cũng như thực hiện phát sóng FM lần đầu tiên ở Việt Nam", ông Nguyễn Thế Kỷ phát biểu.

Cũng theo Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo lão thành Phan Quang còn là một trong những người đặt nền móng cho quá trình hiện đại hóa Đài Tiếng nói Việt Nam, giúp Đài tiếp cận gần hơn với phát thanh thế giới, giúp tạo sự tự tin cần thiết để Đài tiếp tục đổi mới trở thành tổ hợp truyền thông đa phương tiện lớn mạnh.

Cuốn sách "Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề” như một món quà chúc mừng nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam tròn 90 tuổi.

Cuốn sách "Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề" gồm 99 bài báo được chọn lọc kỹ càng với nội dung viết về nhà báo lão thành Phan Quang. Đây như một món quà chúc mừng nhà báo lão thành Phan Quang - nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam tròn 90 tuổi. Cuốn sách có mở đầu bằng bài thơ Không chờ của Chế Lan Viên vào năm 1987 và kết thúc bằng bài viết của nhà báo Hồ Quang Lợi, viết vào tháng 8/2018.

Là người trực tiếp tập hợp hàng trăm bài báo, tiểu luận và lựa chọn 99 bài đưa vào cuốn sách "Phan Quang – 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề", PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết bà rất áp lực trước nhiệm vụ to lớn này. 

"Khi bắt tay vào việc sưu tầm bài viết về nhà báo Phan Quang, tôi bị sức ép vô cùng, đó là trước một Phan Quang lừng lững trong sự nghiệp báo chí, văn học Việt Nam đương đại, bị sức ép trước một tư liệu khổng lồ các bài viết của nhiều tác giả nổi tiếng viết về Phan Quang", PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang chia sẻ.

Trong khi đó, nhà báo lão thành Hà Đăng đánh giá rất cao cuốn sách "Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề".

"Qua những bài viết của các tác giả nói về Phan Quang, cũng như những bài viết của chính Phan Quang thì chúng tôi có thể mường tượng ra cả một sự nghiệp đồ sộ, lớn lắm", nhà báo Hà Đăng chia sẻ. Nói về người đồng nghiệp, nhà báo lão thành Hà Đăng cho rằng Phan Quang xứng đáng là một tên tuổi lớn trong nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. 

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng "Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề" là một cuốn sách đẹp. "Không chỉ đẹp về hình thức, mà cuốn sách còn đặc biệt đẹp ở nội dung. Cái đẹp ở đây còn là tình cảm, sự ngưỡng mộ, sự quý trọng của anh em đồng chí đồng nghiệp, của công chúng dành cho nhà báo Phan Quang", ông Lợi nói. 

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng vô cùng tự hào từng có một Chủ tịch Phan Quang đã ghi nhiều dấu ấn trong báo chí cách mạng Việt Nam. "Ông là tấm gương về đạo đức nghề nghiệp, sự lao động sáng tạo không mệt mỏi", ông Lợi khẳng định.

Khi còn giữ chức Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, nhà báo Phan Quang chính là người góp phần quan trọng trong việc xây dựng Luật báo chí, quy ước về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, đưa báo chí trong nước hội nhập với báo chí quốc tế.

 Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nói “Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề” là một cuốn sách đẹp.

Về phía mình, nhà báo Phan Quang bày tỏ: "Tôi đam mê văn học từ hồi còn bé nhưng lớn lên, tổ chức lại phân công làm báo. Tôi nỗ lực hết mình, và để tự an ủi, tôi nghĩ báo và văn là con cùng một mẹ, người mẹ ngôn từ, hai anh em trưởng thành đi làm ăn mỗi người một nẻo nhưng phân mà không cắt, phân rồi lại hợp, có hợp có phân, dù rạch ròi báo - văn, trong văn có báo trong báo có văn, ta hãy cố làm tốt bất cứ việc gì có ích, chớ có mơ màng chuyện viển vông...".

Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực báo chí, nhà báo Phan Quang còn được biết đến như một nhà văn hóa bởi hoạt động phong phú của ông trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, đối ngoại, văn học… 

Trong sự nghiệp của mình, ông đã có hàng chục tập truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, truyện thiếu nhi, sách bàn về nghề báo… Đáng chú ý là Hẹn cưới, Đất rừng, Một mình giữa đại dương, Chinh phục Hymalaya, Đất nước một dải, Lâm Đồng - Đà Lạt, Hạt lúa bông hoa, Đồng bằng sông Cửu Long, Quê hương, Nghề báo nghiệp văn, Thương nhớ vẫn còn, Cho đến khi giã từ trần thế, Tầm nhìn...

Về dịch, ông đã cho in hàng chục tập lần lượt ra mắt bạn đọc từ khi mới về Hà Nội như Hoa lạ (1957), rồi Hội chợ bán người, Những ngôi sao ban ngày, Trở lại với đời, Sử thi huyền thoại Đông Tây, Nghìn lẻ một ngày, Trà thư, Chuyện rừng châu Phi… Kỳ vĩ nhất là Nghìn lẻ một đêm....

VIỆT AN

Tin mới