Video: Toàn cảnh Lễ đón Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm chính thức Việt Nam
Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ ngày 10-11/9. Trong chuyến thăm, hai bên ký kết nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, mang tính bước ngoặt trong quan hệ Việt Nam - Mỹ. Để làm rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của Việt Nam - Mỹ nâng cấp Đối tác chiến lược toàn diện, VTC News có bài phỏng vấn, nghe Đại sứ Nguyễn Quốc Cường (nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), chia sẻ sâu hơn về giá trị của sự kiện này.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ ngày 10/9 đến 11/9. (Ảnh: TTXVN)
- Đại sứ đánh giá thế nào về quan hệ Việt Nam - Mỹ trong giai đoạn 10 năm qua, từ khi ký kết Đối tác toàn diện vào năm 2013?
Cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, quan hệ Mỹ và Việt Nam ngày càng phát triển đúng hướng, mạnh mẽ, đi vào chiều sâu và hiệu quả. Đó là đánh giá tổng quát nhất, được lãnh đạo hai nước nhất trí về mối quan hệ song phương.
Với cá nhân tôi, tôi thấy điều quan trọng nhất trong 10 năm qua chính là lòng tin giữa hai nước với nhau. Nếu như giai đoạn bình thường hóa quan hệ với Mỹ là năm 1995, thì từ 1995 đến 2013 là giai đoạn bước đầu hai bên xây dựng lòng tin với nhau. Từ 2013 đến nay, trong 10 năm của quan hệ đối tác toàn diện, lòng tin đó đã được tăng cường và củng cố đáng kể. Đây là tiền đề rất quan trọng để Việt Nam và Mỹ có quan hệ phát triển mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Joe Biden đánh giá trong hội đàm ngày hôm nay.
- Cơ sở để quan hệ Việt - Mỹ phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng kể từ khi thiết lập Đối tác toàn diện năm 2013, thưa ông?
Cơ sở quan trọng nhất chính là lòng tin, lòng tin giữa hai bên. Thứ hai, mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ phát triển phù hợp với lợi ích của hai nước. Ví dụ như trong vấn đề kinh tế thương mại đầu tư. Rõ ràng, trọng tâm trong hợp tác giữa Việt Nam với Mỹ trong 10 năm qua phát triển vượt bậc, từ 25 tỷ năm 2012 cho đến 139 tỷ năm 2022, tăng hơn 5 lần. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng tăng cao.
Năm 2022 là năm đầu tiên Việt Nam đạt con số xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ lập con số kỷ lục khoảng 100 tỷ USD. Phía Mỹ cũng đánh giá là hàng hóa của họ xuất sang thị trường Việt Nam cũng tăng lên đáng kể. Từ năm 2002 đến nay, trung bình mỗi năm đã tăng lên gấp 20 lần. Cho nên, sự hợp tác này đều hoàn toàn có lợi cho hai bên.
- Việc 2 nước quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa rất lớn, đánh dấu bước ngoặt cho giai đoạn phát triển mới?
Rõ ràng việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với Mỹ là bước phát triển mới trong quan hệ hai nước ở thời gian tới theo hướng được tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa để nâng lên một tầm cao mới.
Việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với Mỹ là bước phát triển mới, góp phần nâng tầm quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
- Cơ hội của Việt Nam sau khi hai bên nâng cấp đối tác quan hệ chiến lược toàn diện?
Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định mục tiêu phát triển của Việt Nam đến 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình - cao và đến 2045 là nước phát triển có thu nhập cao.
Để làm được điều đó, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định là phải phát huy mọi nguồn lực bên trong cũng như bên ngoài. Việc tăng cường quan hệ hợp tác với Mỹ, nâng cấp quan hệ hai bên cũng nằm trong chủ trương tận dụng mọi cơ hội hợp tác, nguồn lực ở bên trong, bên ngoài để phát triển đất nước.
Đặc biệt, Mỹ là nước phát triển, đi đầu trong nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ. Trong hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden cũng đã nhấn mạnh hợp tác khoa học - công nghệ, kinh tế - thương mại giữa hai nước sẽ đi theo hướng đổi mới sáng tạo. Ví dụ như vấn đề công nghệ số, sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, y tế,...
Việc đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực này không chỉ đem lại lợi ích cho Việt Nam mà còn đem lại lợi ích cho cả Mỹ. Đổi mới của Việt Nam trong 40 năm qua đã giúp cho Việt Nam có vị thế tốt hơn trong hợp tác với các nước, trong đó có Mỹ trên lĩnh vực mới.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được xác định là nước có nguồn nhân lực trẻ và đào tạo tốt. Đây cũng là thế mạnh mà Việt Nam có thể tăng cường hợp tác với quốc tế, trong đó có Mỹ.
- Quan điểm, phương châm đối ngoại của Việt Nam vẫn xuyên suốt, đảm bảo lợi ích, chủ quyền quốc gia trong quá trình duy trì, củng cố và phát triển quan hệ với Mỹ?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đây là điều nằm trong chủ trương về chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác phát triển và Việt Nam muốn là bạn, đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Việt Nam muốn tranh thủ tận dụng mọi nguồn lực để phục vụ cho công cuộc phát triển, thực hiện mục tiêu mà Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra.
Tôi nghĩ đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong quan hệ đối ngoại nói chung, cũng như với Mỹ nói riêng.
- Trong bối cảnh hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện như hiện nay, Việt Nam cần phải làm những gì để phát huy lợi thế, tranh thủ thời cơ để thúc đẩy hơn nữa trong quan hệ với Mỹ nói riêng cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế nói chung?
Việc xác định quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện là một bước khởi đầu quan trọng. Sắp tới các bộ, ngành hữu quan, doanh nghiệp, người dân của hai bên sẽ cùng bắt tay vào triển khai những thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao.
Khuôn khổ quan hệ mới tạo thuận lợi về mặt chính trị. Định hướng của lãnh đạo hai nước là bước thuận lợi. Nhưng để triển khai như thế nào trên thực tế thì phải đòi hỏi sự năng động, sáng tạo và vào cuộc quyết liệt của cơ quan bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp, người dân hai nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: TTXVN)
- Việc Mỹ nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam cũng như đề cao vai trò của Việt Nam trong chiến lược của Mỹ đối với khu vực cho thấy nội bộ Mỹ (đảng Cộng hoà và Dân chủ) rất coi trọng, đánh giá cao việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam thời gian tới?
Việc này nội bộ Mỹ cũng đã khẳng định nhiều lần là đúng. Bằng chứng là từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay đã có 5 Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam. Trong đó, có 3 tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ, đó là ông Bill Clinton, Barack Obama và Joe Biden. Hai tổng thống thuộc đảng Cộng hòa là ông George H. W. Bush và ông Donald Trump.
Mặc dù, hiện nay, dư luận đánh giá nội bộ Mỹ bị phân cực rất mạnh mẽ, chia rẽ trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, nội bộ Mỹ có sự đồng thuận cao trong việc tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam. Họ coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam và mong muốn tăng cường phát triển quan hệ với Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!
Cùng với việc nâng cấp quan hệ với Mỹ, Việt Nam hiện thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022) và Mỹ (2023).
Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 và thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013. Thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục đà phát triển tích cực, trên cả ba bình diện - song phương, khu vực và quốc tế - có nhiều tiến triển nổi bật và đã đạt được một số kết quả cụ thể.
Năm 2022, thương mại hai chiều đạt 123 tỷ USD, tăng gần 300 lần so với con số 450 triệu USD năm 1995. Việt Nam cũng nhanh chóng vươn lên để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong ASEAN.
Cũng từ năm 2002, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đến năm 2022, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ cán mốc 100 tỷ USD. Về đầu tư, Mỹ luôn nằm trong top nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Đến 2023 Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11/108 nước đầu tư tại Việt Nam với hình thức đầu tư đa dạng (khoảng 1200 dự án, tổng vốn đạt gần 11,4 tỷ USD).