Nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.
Không để hình thành điểm nóng về hàng giả
Chia sẻ tại buổi làm việc với Cục Nghiệp vụ QLTT ngày 18/11, ông Nguyễn Đình Hưng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh, khẳng định lực lượng QLTT Quảng Ninh quyết tâm kiểm soát nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Lực lượng QLTT Quảng Ninh đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát những tháng cuối năm. (Ảnh: DMS)
Ông Hưng cho biết, từ khi triển khai kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch 888), Cục QLTT Quảng Ninh xác định công tác tuyên truyền phổ biến ký cam kết với các cơ sở kinh doanh, trung tâm thương mại, ban quản lý chợ, hiệp hội... là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu.
Cụ thể, tính đến 15/11, Cục QLTT Quảng Ninh đã tuyên truyền, ký cam kết với hơn 2.367 cơ sở kinh doanh, kiểm tra, kiểm soát 101 vụ, xử phạt 93 vụ việc vi phạm, số tiền xử phạt vi phạm là hơn 700 triệu đồng. Kết quả này đúng với mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn đầu Cục QLTT Quảng Ninh triển khai kế hoạch 888.
Theo Phó Cục trưởng Cục QLTT Quảng Ninh Nguyễn Văn Thoại, vi phạm trên thương mại điện tử ngày càng diễn biến phức tạp, các đối tượng lợi dụng thị trường thương mại điện tử để giao dịch, mua bán hàng giả. Do đó ông Thoại đề xuất Tổng cục QLTT cùng các cơ quan có thẩm quyền chia sẻ dữ liệu về thương mại điện tử phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Theo ông Trần Sơn, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Cục QLTT Quảng Ninh, thực hiện kế hoạch 888, Cục QLTT Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch 222 về đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Trọng tâm của kế hoạch này là 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không kinh doanh, bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng hóa xâm phạm quyền; 80% các cơ sở kinh doanh tại các khu vực, tuyến phố du lịch trên địa bàn tỉnh không bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền; 60% cơ sở kinh doanh được tuyên truyền vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền…
Kết quả, tình hình vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cơ bản được kiểm soát. Nhận thức của các tổ chức, cá nhân kinh doanh về hàng giả cũng có nhiều chuyển biến. Nhiều hộ đã ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng hóa vi phạm.
“Sau 8 tháng triển khai Kế hoạch 888, tình hình vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc tại Quảng Ninh cơ bản được kiểm soát, không để hình thành các điểm nóng”, ông Trần Sơn cho hay.
Xử lý loạt vụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng
Báo cáo của Cục QLTT Quảng Ninh cho thấy, từ đầu năm đến nay, công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại đã được lực lượng quản lý thị trường tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt.
Theo đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra, xử lý 387 vụ (347 đối tượng) với tổng số tiền trên 11,3 tỷ đồng, đạt 76,7% kế hoạch. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính là 3,7 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, phát mại trên 1,6 tỷ đồng và trị giá hàng tiêu hủy gần 6 tỷ đồng.
Một số vụ việc tiêu biểu như: Ngày 27/9, Đội QLTT số 4 (TP Móng Cái) phối hợp với Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp (Cục QLTT) tổ chức tiêu hủy số hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Samsung, Apple, L’ORÉAL. Hàng hóa tiêu hủy gồm có 134 bộ sạc điện thoại, 465 chiếc vỏ ốp lưng điện thoại, 950 mặt kính điện thoại, 303 hộp sáp vuốt tóc giả; trị giá số hàng gần 104 triệu đồng. Đây là số hàng giả mạo nhãn hiệu được Đội QLTT số 4 (TP Móng Cái) bắt giữ tại Trung tâm Thương mại Vinh Cơ và Trung tâm Thương mại Móng Cái Plaza.
Trước đó, ngày 14/7, Đội QLTT số 4 TP Móng Cái phối hợp với các ban, ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy tổng số 1.265 đơn vị sản phẩm là hàng giả, không rõ nguồn gốc.
Các tang vật được Đoàn kiểm tra liên ngành TP Móng Cái bắt giữ vào ngày 18/12/2019 tại cửa hàng thương trường Quốc tế Cát Vượng, nằm trong khuôn viên công ty CP tập đoàn đầu tư Hồng Nguyên - phường Trần Phú - TP Móng Cái. Cụ thể số hàng bị tiêu hủy gồm 1.078 đơn vị sản phẩm hàng hoá (đồng hồ, kính mắt, mỹ phẩm, túi xách, dây lưng giả mạo các nhãn hiệu như Tudo, Rolex, Omega, Longines, Catier, Gucci, Chanel, Dior, Mac, Saint Laurent, Hermes, Louis Vuitton và 187 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm Lancome không rõ nguồn gốc, xuất xứ).
Những tháng cuối năm, Cục QLTT Quảng Ninh sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành, lực lượng chức năng, thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh tăng cường công tác trao đổi thông tin, cảnh báo, nắm tình hình, đối tượng, mặt hàng trọng điểm, phương thức, thủ đoạn chủ yếu và mới của các đối tượng, để có phương án, kế hoạch đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại có hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Đình Hưng, triển khai các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh Quảng Ninh về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cục QLTT Quảng Ninh đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Theo đó, Cục QLTT tỉnh đã tập trung làm tốt công tác trinh sát, nắm chắc tình hình địa bàn, giá cả, biến động của thị trường. Cục QLTT tỉnh còn chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn trong trao đổi, cung cấp thông tin, tuần tra, kiểm soát, xử lý sai phạm và tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong kinh doanh thương mại...
Ngoài ra, chung tay phòng chống dịch COVID-19, Cục QLTT tỉnh đã tăng cường các biện pháp thực hiện bình ổn thị trường, nhất là đối với nhóm mặt hàng, sản phẩm y dược, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Cục chỉ đạo các đội QLTT các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, ký cam kết đến các cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm việc niêm yết và bán theo giá niêm yết, không tăng giá bán bất hợp lý các mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch.
Với các giải pháp quyết liệt, phù hợp đến nay lực lượng QLTT của Quảng Ninh đã ngăn chặn, bắt giữ, xử lý được hơn 360 vụ với tổng số tiền gần 12 tỷ đồng, đạt gần 80% kế hoạch. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính gần 4 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, bán phát mại gần 2 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy gần 6 tỷ đồng.
Theo ông Hưng, để tiếp tục đấu tranh hiệu quả với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, từ nay đến cuối năm, Cục QLTT sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra, xử lý nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đồng thời tuyên truyền, vận động mọi người dân tích cực tham gia phát giác, tố giác tội phạm sản xuất những mặt hàng không đạt chất lượng; không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng.