Gần đây, trang mạng xã hội lớn nhất toàn cầu Facebook tuyên bố không cho phép người dùng Australia chia sẻ hoặc xem nội dung tin tức địa phương lẫn quốc tế. Người dùng Facebook trên toàn thế giới cũng không thể chia sẻ hoặc xem tin bài từ các nhà xuất bản Australia.
Đây được xem như một động thái vô cùng cứng rắn của Facebook để phản đối lại việc xem xét thông qua dự luật Đàm phán Truyền thông Tin tức của Quốc Hội Australia, trong đó yêu cầu Google và Facebook phải trả tiền cho các cơ quan báo chí Australia khi tin tức được chia sẻ trên các nền tảng công nghệ này.
Căng thẳng giữa Facebook và Australia gia tăng những ngày gần đây. (Ảnh: Reuters)
Theo nội dung của dự luật, không những phải trả phí sử dụng nội dung, bộ quy tắc cũng quy định các vấn đề khác như quyền truy cập dữ liệu người dùng, tính minh bạch của thuật toán và xếp hạng nội dung trong kết quả tìm kiếm, nguồn cấp tin của các nền tảng. Dự luật này nhằm áp dụng cho bất kỳ nền tảng kỹ thuật số nào sử dụng nội dung tin tức ở Australia, tuy nhiên mục tiêu đầu tiên sẽ nhắm tới Facebook và Google, hai công ty công nghệ giàu có và quyền lực nhất thế giới tại thời điểm hiện tại.
Trong bối cảnh đó, mặc dù Facebook lên tiếng phản đối mạnh mẽ và coi điều này đầy tính “phi logic” thì Google sau các động thái đe doạ ngừng hoạt động tìm kiếm, đã chọn thoả hiệp với các tập đoàn truyền thông, trong đó có News Corp - tập đoàn sở hữu nhiều hãng tin lớn tại Australia lẫn Anh, Mỹ. 3 năm là thời gian cam kết thực hiện thoả thuận giữa Google và News Corp.
Đề xuất tập đoàn công nghệ phải trả tiền cho nội dung chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội của họ thực tế đã xuất hiện từ lâu và gần đây mới thực sự được chú ý khi cuộc chiến giữa mạng xã hội và truyền thông trở nên gay gắt hơn do các cơ quan thẩm quyền tại Mỹ, Australia và nhiều nơi khác tỏ ý cân nhắc, xem xét các luật định về vấn đề này.
Động thái duy trì hành động phản kháng dự luật của Facebook đã làm nổ ra nhiều tranh cãi xung quanh việc ngăn cấm người dùng xem cũng như chia sẻ tin tức từ các cơ quan báo chí.
Nhìn theo góc độ chuyên môn, Phó Giáo sư Carsten Rudolph, Bộ môn Hệ thống Phần mềm & An ninh mạng, Khoa Công nghệ Thông tin của Đại học Monash nhận xét: “Sẽ có một loạt các hệ lụy không mong muốn từ quyết định này. Việc chặn nội dung có thể dẫn đến việc ngày càng nhiều dịch vụ không cần thiết bị chặn, ví dụ như dịch vụ khẩn cấp và dự báo thời tiết. Vấn đề này đặt ra một số câu hỏi chung về vai trò của các nền tảng kỹ thuật số trong xã hội hiện đại. Các nền tảng kỹ thuật số được hưởng lợi từ những người sáng tạo nội dung. Tuy nhiên, không rõ tại sao lại có dự luật nhắm vào các nhà cung cấp tin tức, trong khi vấn đề chung của các nền tảng kỹ thuật số là bóc lột người sáng tạo nội dung mà không chi trả thỏa đáng cho họ. Vấn đề này cũng chưa được tiếp cận trên cơ sở của luật pháp theo cách phù hợp”.
Bộ trưởng Môi trường Sussan Ley thừa nhận quyết định này của Facebook gây ra việc những tin tức quan trọng bị hạn chế truyền thông như nội dung về đại dịch COVID-19, cháy rừng hay lốc xoáy đang diễn ra tại Australia.
“Google và Facebook đã trở thành phương tiện chính để người Australia tiếp cận tin tức. Hãy tưởng tượng Facebook của một người Australia được cá nhân nào đó truyền bá các phương pháp điều trị COVID-19 vô căn cứ và thông tin sai lệch về biến đổi khí hậu mà không có cơ quan báo chí thực tế nào để phản bác tuyên bố của anh ta. Đây có lẽ là cơ hội để các doanh nhân Australia triển khai các nền tảng thay thế cho Facebook. Quyết định mạnh tay này khiến cho Facebook mất đi thiện cảm của dư luận”, Phó Giáo sư Johan Lidberg, Giảng viên trường Truyền thông, Điện ảnh & Báo chí của Đại học Monash bày tỏ quan điểm.
Quyết định “chắc tay” này của chính phủ Australia nhằm bảo vệ ngành công nghiệp tin tức truyền thống, vốn đang bị các ông lớn công nghệ trị giá hàng ngàn tỉ đô này đe doạ xoá sổ.