Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: ‘Phải giữ bằng được an toàn cho Thủ đô’

(VTC News) -

“Ngay từ khi dịch bắt đầu giai đoạn mới, xác định Hà Nội là địa bàn có nguy cơ cao nên quan điểm của Trung ương và Bộ Y tế là giữ bằng được an toàn cho Thủ đô”.

Đó là chia sẻ của GS. TS Nguyễn Thanh Long – Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế tại buổi làm việc với UBND TP.Hà Nội về công tác phòng chống dịch trên địa bàn diễn ra sáng nay 8/8.

Tại buổi làm việc, GS Nguyễn Thanh Long đánh giá cao những động thái khẩn trương, quyết liệt của Hà Nội trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Theo ông Long, ngay từ khi dịch bắt đầu trong thời gian vừa qua, quan điểm của Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế là luôn xác định Hà Nội là địa bàn có nguy cơ cao. Do Hà Nội có tới gần 100.000 người trở về từ vùng dịch Đà Nẵng (riêng từ 15/7 đến nay là hơn 75.000 người).

Chính vì vậy, Bộ Y tế luôn sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội về mọi mặt, điển hình là sự chuẩn bị trong công tác điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.

Ông Long cho biết, để hỗ trợ Hà Nội, Bộ Y tế sẵn sàng tiếp nhận điều trị tất cả bệnh nhân cho Hà Nội. Bộ Y tế giao Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đảm trách nhiệm vụ này. Yêu cầu nếu số lượng bệnh nhân tăng lên thì sẽ có kịch bản tiếp theo để đảm bảo điều trị.

“Quan điểm của Trung ương và Bộ Y tế là giữ bằng được an toàn cho Thủ đô. Bệnh viện Bạch Mai đã chuẩn bị sẵn 1.000 giường bệnh, gồm 500 giường tại cơ sở 1 và 500 giường ở cơ sở 2 Hà Nam để sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội”, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

GS. TS Nguyễn Thanh Long – Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế. (Ảnh: SKDS).

Trước tình hình như hiện nay, Bộ Y tế xác định, với Hà Nội, xét nghiệm là điểm mấu chốt quan trọng trong kiểm soát dịch. Chỉ có xét nghiệm mới phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, khoanh vùng, dập tắt ổ dịch.

Chính vì vậy, Bộ đã thảo luận giao 4 đơn vị chính sẽ tiến hành xét nghiệm cho khoảng 75.000 người Hà Nội trở về từ Đà Nẵng theo phương pháp RT-PCR. Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai đảm nhiệm 40.000 mẫu; Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương mỗi đơn vị 10.000 mẫu.

Về công tác hậu cần, mua sắm trang thiết bị vật tư, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ sẽ có hướng dẫn thêm. Tuy nhiên, các địa phương cần căn cứ vào Luật Đấu thầu và các báo giá để chủ động mua sắm. Không chờ việc mua sắm tập trung mà phải triển khai ngay việc mua sắm vật tư, thiết bị chống dich.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung cần rà soát lại ngập tức việc sàng lọc, phân luồng, cách ly, điều trị người bệnh.

Bởi cơ sở khám bệnh là nơi cần phải bảo vệ an toàn trong phòng chống dịch, đặc biệt là các khoa Hồi sức cấp cứu, thận nhân tạo, tim mạch, ung thư...

“Tôi đề nghị Hà Nội quán triệt các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện theo đúng các yêu cầu của Bộ Y tế về phòng chống dịch trong các cơ sở y tế”, ông Long nhấn mạnh.

Video: Kịch bản nào cho cuộc chiến chống COVID-19 mới?

Phạm Quý

Tin mới