Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quy trình lấy và lưu trữ tinh trùng được thực hiện thế nào?

(VTC News) -

Tinh trùng sau khi lấy ra khỏi cơ thể người nam giới sẽ được bảo quản trong môi trường ni-tơ lỏng với nhiệt độ -196 độ C trong 3 năm liên tục.

Theo BS CKII Nguyễn Khắc Lợi - Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn (Hà Nội), một người nếu muốn lưu trữ tinh trùng phải làm đơn xin đăng ký. Sau khi xem xét các thủ tục pháp lý, đảm bảo tất cả yêu cầu, bệnh viện sẽ cử bác sĩ chuyên trách để thực hiện quá trình lấy tinh trùng. Có 2 phương pháp để lấy tinh trùng ra khỏi tinh hoàn của người nam.

Trường hợp thứ nhất, nếu tinh trùng của nam giới khỏe mạnh, bác sĩ sẽ lấy ống chọc và hút ra. Tuy nhiên, nếu tinh trùng lưu trữ ít, bác sĩ sẽ phải bổ dọc tinh hoàn, tìm theo ống sinh tinh để lấy. “Nhưng cách này thường ít khi phải sử dụng đến. Ngoài ra, trong trường hợp nam giới đã chết, thì việc lấy tinh trùng ra khỏi cơ thể phải được thực hiện nhanh chóng. Nguyên tắc là trước 3 giờ đồng hồ sau khi qua đời để đảm bảo chất lượng tốt nhất”, BS Lợi nói.

Tinh trùng sau khi lấy ra sẽ được bảo quản trong môi trường ni-tơ lỏng với nhiệt độ -196 độ C.

Trước khi đưa đi bảo quản, các bác sĩ sẽ phải xét nghiệm và đếm số lượng tinh trùng. Nếu đủ số lượng, chất lượng, tinh trùng không mang mầm bệnh và phù hợp thì mới có thể lưu trữ. Lúc này, người có nhu cầu lưu trữ phải tiếp tục hoàn thiện các thủ tục như đóng phí, làm giấy tờ để đảm bảo cho tinh trùng được lưu trữ trong thời gian dài.

Cuối cùng, số tinh trùng trên sẽ được đưa vào ống thủy tinh y tế (cóng) để bảo quản trong môi trường ni-tơ lỏng với nhiệt độ -196 độ C trong 3 năm.

“Nếu hết 3 năm tinh trùng không được sử dụng, người này phải đến xem có tiếp tục lưu trữ tinh trùng hay không. Nếu không, tinh trùng sẽ được hủy”, bác sĩ Lợi cho biết.

Tinh trùng được sử dụng thế nào?

Trong thời gian lưu trữ, nếu muốn sử dụng, tinh trùng sẽ được rã đông và đưa đi thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, mỗi mẫu chỉ sử dụng cho một người. Nếu không phải là trường hợp hiến tặng, tinh trùng chỉ được sử dụng cho chính người vợ có tư cách pháp lý và được pháp luật công nhận.

Nếu tinh trùng là của người hiến tặng vì mục đích nhân đạo, việc sử dụng sẽ phải dựa trên nguyên tắc vô danh. Tức là người hiến tặng và người được thụ tinh trong ống nghiệm đều không được quen biết nhau. Đồng thời, việc này phải được cho phép về mặt pháp lý.

Ở trường hợp này, tinh trùng sẽ được sử dụng để thụ tinh trong ống nghiệm cho cặp vợ chồng vô sinh hay phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng phương pháp này.

“Theo luật, người nhận tinh trùng với mục đích nhân đạo phải đảm bảo là cặp vợ chồng được kết luận vô sinh, hoặc là phụ nữ độc thân có nhu cầu sinh con và noãn của họ bảo đảm chất lượng để thụ thai. Tất cả phải đảm bảo đúng quy định pháp luật chặt chẽ và mỗi mẫu tinh trùng chỉ được dùng cho 1 người”, BS Lợi nhấn mạnh.

Theo BS Lợi, nếu quá trình lưu trữ, người đàn ông không may qua đời, tinh trùng sẽ chỉ được trao cho người được thừa kế (đã được ủy quyền bởi chủ sở hữu trước đó khi làm thủ tục lưu trữ). Ngoài ra, số tinh trùng này chỉ được sử dụng cho chính người vợ có tư cách pháp lý, được pháp luật công nhận.

Phạm Quý

Tin mới