Ghi nhận của PV VietNamNet, các doanh nghiệp được hỏi đều cho rằng, nhiều quy chuẩn PCCC mới đang áp dụng lấy theo tiêu chí của các nước châu Âu, khiến tính khả thi thấp, lệch với thực tiễn quy hoạch, đặc trưng nhà xưởng, trình độ phát triển lâu nay ở Việt Nam.
Loay hoay với sơn chống cháy
Ông P.H.D., tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn tại Hải Phòng, cho biết: Đơn vị ông kinh doanh mảng cho thuê hạ tầng công nghiệp. Gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc trong khu công nghiệp của ông liên tục cầu cứu ban quản lý khi các quy định mới về PCCC được ban hành.
Tất cả các vướng mắc đều liên quan đến vật liệu chống cháy, như sơn, khung dầm...của nhà xưởng, nằm trong quy chuẩn mới là QCVN 06:2022/BXD. Đây là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình, do Bộ xây dựng tham mưu, Bộ Công an phối hợp thực hiện, quản lý, giám sát.
KCN Nam Cầu Kiền, nơi có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động. Ảnh: CTV
Theo ông P.H.D., nhiều nhà máy, phân xưởng đã xây xong nhưng khó đưa vào hoạt động vì không kiểm định được tính chịu lửa, chịu lực trên các vật liệu chống cháy. Khi hỏi các đơn vị liên quan, ông nhận được câu trả lời rằng chưa có hướng dẫn cụ thể. Như vậy, doanh nghiệp có mong làm đúng, làm nhanh để phát triển sản xuất cũng đành chịu.
“Theo yêu cầu của đơn vị thẩm định PCCC, toàn bộ kết cấu khung dầm của nhà xưởng phải được sơn bằng sơn chống cháy. Nhưng đó là sơn gì, chỉ số đảm bảo cần bao nhiêu, bán ở đâu, ai kiểm định... thì nhà chức trách không nói. Trên thị trường có hàng trăm hãng sơn, nhưng loại sơn nào 'vừa lòng' các cấp để sơn lên khung dầm nhà xưởng, đảm bảo yêu cầu của PCCC thì doanh nghiệp tự tìm”, ông D. phản ánh.
Ông Nguyễn Công Hải, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương, nhận xét, doanh nghiệp muốn xây nhà máy theo đúng quy chuẩn mới là rất khó. Giờ ra cửa hàng sơn hỏi mua sơn chống cháy không khó, nhưng sơn đó mua về cơ quan chức năng có chấp nhận không, có đủ tiêu chí của quy định mới không?... Hiện không một ban ngành nào đứng ra hướng dẫn, đảm bảo cho doanh nghiệp.
Anh Trần Văn T., trú tại TP. Thái Bình, chủ một doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực lắp đặt, thi công PCCC, chia sẻ: Sơn chống cháy đúng quy định hiện không bày bán công khai trên thị trường. Muốn mua phải biết cách. Quy trình thì rất ngặt nghèo, giá thành rất cao. Khi mua được, phải mang cả sơn lẫn cấu kiện xây dựng (sắt, thép, nhôm... ) lên Bộ Xây dựng để kiểm tra đốt mẫu. Sau đó, mang kết quả sang bên PCCC để cấp giấy đủ điều kiện, hoàn tất chứng nhận kiểm định.
Dừng đầu tư, xây nhà máy vì sợ quy định PCCC mới
Thực tế cho thấy, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ được ban hành dựa trên quy chuẩn 06 (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC, có hiệu lực từ ngày 10/1/2021) khi đi vào thực tiễn đã gây ra loạt trở ngại cho doanh nghiệp.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp xây nhà xưởng dựa trên Nghị định 79/2014/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC) đã hoàn thiện và đang sản xuất nay đối mặt với vi phạm.
Ngành chức năng hiện nay yêu cầu, vật liệu chống cháy như cửa chống cháy... trước đây là đối tượng kiểm định, nhưng sau khi có thông tư mới thì chỉ kiểm định một mẫu và đơn vị sản xuất chịu trách nhiệm. Việc kiểm định cả công trình như trước đây không được chấp nhận nữa.
Tập huấn công tác PCCC tại Đình Vũ, Hải Phòng.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), cho hay, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản trong khu công nghiệp của ông phản ánh: Các quy định về PCCC của Việt Nam đang thuộc tốp đầu thế giới, cao hơn cả tiêu chí mà chính phủ Nhật đưa ra tại nước bản địa.
“Nếu làm đúng yêu cầu hiện nay thì chi phí xây dựng hệ thống PCCC so với cách làm cũ tăng từ 1,7 đến 2,2 lần, khiến tổng mức đầu tư bị đội lên cao, ảnh hưởng đến nguồn vốn, nguồn đầu tư, kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp".
Khi áp dụng các tiêu chuẩn PCCC tự động trong nhà xưởng, không thể sử dụng các thiết bị của Trung Quốc hay các nước châu Á lân cận nữa mà phải nhập từ châu Âu. Mà nhập thiết bị từ châu Âu về Việt Nam hiện rất khó khăn, tăng thời gian chờ đợi, tăng giá thành, thủ tục hành chính dài hơn,... khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất tự chủ trong sản xuất. Bởi, không có nghiệm thu PCCC sẽ bị đình chỉ hoạt động. Lúc đó sản xuất bị đình trệ.
"Đó là lý do nhiều nhà đầu tư nước ngoài hiện nay không dám mở rộng nhà máy hay đầu tư mới. Nếu những vướng mắc trên không được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, thì có thể buộc họ phải tính toán, chuyển sang thị trường khác”, ông Điệp lo ngại.
Bà Đặng Thị Mỹ Hương, chủ chuỗi công ty giày da tại Hải Phòng, bức xúc: Nghị định 136/2020/NĐ-CP được ban hành, cơ quan chức năng kiểm tra để nghiệm thu căn cứ theo quy định mới. Điều này dẫn tới, cùng sử dụng một loại sơn chống cháy, song các công trình hoàn thành trước 10/1/2021 được nghiệm thu, còn công trình sau nghiệm thu lại không được.
“Nghị định đưa ra không để cho doanh nghiệp có độ trễ, lộ trình để thích ứng. Đùng một cái, đồng loạt kiểm tra, đồng loạt đòi xử phạt và cuối cùng là doanh nghiệp phải mất hàng tỷ đồng để làm và đi lo thủ tục mới”, bà Hương nói.
Cũng theo bà Hương, chỉ trong vòng 18 tháng, có tới 3 văn bản, trong đó có 2 thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy nổ cho nhà và công trình, khiến doanh nghiệp rất lúng túng. Doanh nghiệp đang đầu tư theo phương án cũ, lại thẩm định nghiệm thu theo phương án mới mà không có các hướng dẫn chuyển tiếp. Điều này đẩy cả doanh nghiệp lẫn cả cơ quan thẩm tra, quản lý vào cảnh rối bời.