Elon Musk yêu cầu nhân viên Twitter phải làm việc chăm chỉ với cường độ cao hoặc nghỉ việc. (Ảnh: Wargo) |
Hôm 16/11, Elon Musk đã gửi email đến các nhân viên Twitter với những kỳ vọng mới dành cho người ở lại.
"Chúng ta sẽ cần phải cực kỳ chăm chỉ", Musk, người đã trở thành chủ sở hữu của Twitter vào tháng 10, viết. Ông cho nhân viên thời hạn một ngày để đồng ý với các điều kiện làm việc mới hoặc nghỉ việc cùng trợ cấp 3 tháng.
Các yêu cầu mới được tóm gọn là "làm việc nhiều giờ ở cường độ cao" để "xây dựng một Twitter 2.0 đột phá và thành công trong một thế giới ngày càng cạnh tranh". Trước đó, Musk đã sa thải một nửa nhân viên Twitter, yêu cầu những lao động còn lại đến văn phòng và làm việc 84 giờ/tuần.
Theo Bussiness Insider, email của Musk là một ví dụ điển hình về giá trị mà các công ty Mỹ đặt vào "người lao động lý tưởng" hoặc những người luôn ưu tiên công việc hơn phần còn lại của cuộc sống. Nghiên cứu cho thấy nhiều nhân viên cảm thấy bị áp lực phải thực hiện khuôn mẫu này vì sợ sự nghiệp bị hủy hoại.
Các nhà tuyển dụng khác đang đưa ra những yêu cầu tương tự Musk. Trong một số ngành, cuộc chiến giằng co giữa ông chủ và công nhân đang diễn ra khi nhiều người đặt câu hỏi liệu có cần quay lại văn phòng sau nhiều năm làm việc ở nhà vì đại dịch hay không.
Ngoài ra, cuộc tranh luận về "quiet quitting" (nghỉ việc trong tư tưởng) trong bối cảnh các công ty công nghệ sa thải hàng loạt đã khiến một số nhân công phải nỗ lực hơn bao giờ hết.
Trong email của mình, Elon Musk tiếp tục đề cập đến văn hóa "hardcore" và định nghĩa thuật ngữ này là "làm việc nhiều giờ ở cường độ cao" và "chỉ có hiệu suất vượt trội mới đủ điều kiện vượt qua".
Trước đó, trong các email hay bài đăng trên Twitter, vị tỷ phú cũng nhiều lần dùng từ "hardcore" để yêu cầu các nhân viên của mình chăm chỉ và tận tụy hơn nữa với công việc.
Ngay trong các câu chuyện cá nhân, Musk, CEO của SpaceX và Tesla, cũng thường phô trương sự cống hiến với công việc của chính mình.
Elon Musk nói ông từng làm việc 120 giờ/tuần, ăn ngủ tại văn phòng Tesla. (Ảnh: Forbes)
Đầu tháng 11, ông đã tweet rằng mình định ngủ tại trụ sở của Twitter "cho đến khi công ty được hồi phục" (bài đăng sau đó đã bị xóa). Trong một cuộc phỏng vấn ảo tại hội nghị thượng đỉnh G20 hôm 14/11, Musk nói: "Tôi đang làm việc hết sức mình từ sáng đến tối, 7 ngày/tuần".
Năm 2018, Musk nói với The New York Times rằng trong một năm đầy biến động tại Tesla, "có những lúc tôi không rời khỏi nhà máy trong 3-4 ngày".
Musk nhấn mạnh sự miệt mài với công việc khiến ông phải bỏ lỡ sinh nhật của mình, phớt lờ bạn bè, gia đình. Khi về đến nhà, Musk nói ông phải lựa chọn giữa việc không ngủ hay uống Ambien, một loại thuốc trị mất ngủ chỉ dùng trong thời gian ngắn, và cuối cùng bị một số thành viên hội đồng quản trị của Tesla trách móc vì đăng bài vào những khung giờ trái khoáy.
Cùng năm, tỷ phú công nghệ đã viết trên Twitter rằng "có nhiều nơi làm việc nhẹ nhàng hơn" so với Tesla, "nhưng chưa từng có ai thay đổi thế giới nếu chỉ làm việc 40 giờ/tuần".
Hình ảnh người sếp cống hiến từng giây từng phút của cuộc đời mình cho thành công của công ty đã là biểu tượng ở Thung lũng Silicon. Các ông chủ công nghệ thường kết hợp áp lực của việc trở thành một CEO quản lý hàng triệu USD với tâm lý tối ưu hóa mọi thứ của một kỹ sư điển hình.
Erin Reid, giáo sư tại Trường Kinh doanh DeGroote của Đại học McMaster và Lakshmi Ramarajan, phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, cho rằng các tổ chức thường gây áp lực buộc nhân viên phải trở thành "người lao động lý tưởng" để đáp ứng nhu cầu của ông chủ hoặc khách hàng. "Phần lớn mọi người tin rằng để đạt được thành công đòi hỏi họ và những người xung quanh phải tuân theo lý tưởng này", các giáo sư nhận định.
Nhưng câu chuyện đã bắt đầu khác đi khi nhiều nhân viên cảm thấy những kỳ vọng này không thể đáp ứng được trên thực tế.
Nhiều người cho rằng yêu cầu nhân viên làm việc 84 giờ/tuần của Elon Musk là vô lý và lố bịch. (Ảnh: The New York Times)
Một bài báo năm 2015 của Reid, giáo sư Đại học McMaster, đã phát hiện ra rằng một số nhân viên tại một công ty tư vấn chiến lược toàn cầu đang giả vờ làm việc 80 giờ/tuần, trong khi thực tế là họ dành thời gian đó cho gia đình hoặc cho những việc không liên quan khác.
Theo Ric Edelman, nhà sáng lập kiêm CEO của Financial Services, công ty tư vấn tài chính hàng đầu thế giới, chăm chỉ "chỉ là một phần của câu chuyện thành công". "Nếu cả đời chỉ biết chăm chỉ làm việc, bạn cũng sẽ không bao giờ trở nên giàu có được".
Ayesha Whyte, Giám đốc điều hành nhân sự và luật sư việc làm tại công ty luật Virginia Dixon Whyte, nói rằng quy định làm việc 84 giờ/tuần của Musk là "lố bịch" vì nhiều người bắt đầu nghĩ khác về công việc của họ trong thời kỳ đại dịch. "Một công việc tốt là có thể giúp nhân viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn".
Đồng tình với quan niệm này, tác giả, triệu phú người Mỹ Arianna Huffington lập luận: "Hãy cho bản thân thời gian để kết nối, không chỉ với những người bạn yêu thương mà còn với chính bạn và trí tuệ của bạn. Làm việc 120 giờ/tuần không tận dụng mà chỉ lãng phí phẩm chất của bạn.
Hơn ai hết, bạn cần hiểu rằng chúng ta không thể đến sao Hỏa bằng cách bỏ qua các định luật vật lý. Chúng ta cũng không thể đến được nơi mình muốn nếu phớt lờ các quy luật khoa học trong cuộc sống hàng ngày".