Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quy định để đồ dùng cách phòng thi tốt nghiệp 25m liệu có ngăn được gian lận?

(VTC News) -

Lãnh đạo một số Sở GD&ĐT lo gặp khó trước quy định để đồ dùng thí sinh cách phòng thi tốt nghiệp THPT 25m, và e ngại biện pháp này không ngăn được gian lận thi cử.

Một trong những quy định mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là các vật dụng của thí sinh không được để ngay bên ngoài phòng thi như mọi năm mà phải cách phòng thi tối thiểu 25 m. Quy định mới này nhằm ngăn chặn tình trạng gian lân thi cử bằng các thiết bị công nghệ cao thu phát tín hiệu truyền từ phòng thi ra bên ngoài. Tuy nhiên, quy định này đang vấp phải khó khăn trong quá trình triển khai ở một số địa phương.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, do đặc thù địa phương nhiều điểm thi khuôn viên khá hẹp, để đảm bảo vật dụng của học sinh ở cách phòng thi 25 m thì phải vận chuyển ra xa khu vực thi. Điều này có thể dẫn đến tình trạng học sinh thi xong sẽ lấy nhầm đồ, và càng phức tạp hơn nếu trời mưa.

"Hà Nội đề nghị được có phương án riêng nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho kỳ thi", Giám đốc Sở nhấn mạnh.

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ: H.C)

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cũng bày tỏ, với địa phương đông thí sinh dự thi như TP.HCM, quy định này rất khó thực hiện. Số lượng thí sinh ở mỗi điểm thi rất lớn. Nếu đưa vật dụng vào các phòng tập trung thì sẽ rất khó khăn cho các em trong việc lấy đồ của mình sau môn thi buổi sáng, chuẩn bị cho bài thi buổi chiều.

“Năm nay, khả năng thu phát của thiết bị là 25m, nhưng năm sau có thể lên đến 50m thì chúng ta làm thế nào? Và liệu rằng để xa 25 m thì có ngăn được gian lận hay không?”, ông Hiếu đặt câu hỏi.

Đại diện Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, nếu Bộ GD&ĐT không có phương án cụ thể về việc đặt vật dụng của thí sinh cách phòng thi 25m thì đơn vị đề nghị áp dụng phương án riêng phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi hội đồng thi. Ví dụ, địa điểm ít phòng thi có thể bố trí chỗ để vật dụng tập trung và người giám sát.

Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, cho biết năm nay toàn tỉnh có gần 19.900 thí sinh dự thi tại 35 điểm. Tỉnh gần như đã hoàn tất việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đảm bảo tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Tuy nhiên, ông vẫn băn khoăn về việc thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận mà theo ông là tình trạng ngày càng phức tạp.

Theo ông, cán bộ coi thi dù đã được tập huấn vẫn khó phát hiện sự gian lận tinh vi. Để đồ dùng cách 25 m chưa chắc đã ngăn được các thiết bị công nghệ cao thu phát. Do đó, Bộ GD&ĐT nên phối hợp với Bộ Công an đưa ra dự báo, hướng dẫn trước những tình huống có thể xảy ra và hướng dẫn cụ thể hơn về quy định trên.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Cục phó Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 Bộ Công an), nhận định, lo lắng của các địa phương là có cơ sở bởi tình trạng mua bán thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang vẫn tồn tại và sự gian lận bằng thiết bị công nghệ cao vẫn xuất hiện ở các kỳ thi.

Ông Mạnh lấy ví dụ năm 2021, công an phát hiện một vụ gian lận bằng thiết bị công nghệ cao với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thiết bị đa dạng và thủ đoạn tinh vi. Có 23 người bị bắt dịp đó.

Trong sự việc mới này, quy trình gian lận được tính toán kỹ. Thí sinh sử dụng camera cúc áo (gắn trên áo như một chiếc cúc) để quay chụp đề thi, sau đó đưa hình ảnh đề ra ngoài qua thiết bị trung gian. Khi đề được giải xong, đáp án sẽ được truyền vào qua tai nghe hạt đậu. Các thiết bị này đều rất nhỏ khiến cán bộ coi thi khó phát hiện.

Cơ quan chức năng nhận thấy, về cơ bản, các thiết bị phát sóng điều khiển từ xa có thể thu nhận tín hiệu trong khoảng cách 20-25 m nên đã cảnh báo Bộ GD&ĐT. Trong hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Bộ yêu cầu các địa phương đảm bảo khoảng cách này giữa phòng thi và nơi bảo quản vật dụng cá nhân của thí sinh.

Theo quy chế, thí sinh có thể mang vào các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp. Việc này nhằm giúp thí sinh giám sát sự nghiêm túc, khách quan trong phòng thi.

Tuy nhiên, ông Mạnh đề xuất không cho thí sinh mang các thiết bị đó vào vì khó đánh giá thiết bị có truyền, nhận được thông tin hay không. Không chỉ cán bộ coi thi, ngay cả chuyên gia cũng khó phát hiện.

Hà Cường

Tin mới