Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Quy định chuẩn chính tả trong SGK mới có gì đặc biệt?

Quy chuẩn chính tả trong chương trình SGK mới sẽ giống với quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT, chỉ khác ở việc viết tên riêng nước ngoài và các thuật ngữ quốc tế.

Trưa 9/3, trả lời VTC News, GS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể) cho biết, dự thảo quy định mới về chính tả không thay đổi nhiều, thay đổi lớn nhất cách viết tên người, tên địa lý và thuật ngữ nước ngoài.

Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết thêm, dự thảo quy định mới về chính tả chỉ có 3 nội dung chính: Quy định về cách viết tên riêng, quy định về cách viết thuật ngữ và một số quy định khác.

Tên riêng gồm tên người, tên địa lí, tên các tổ chức, đơn vị, danh hiệu, giải thưởng, lễ tết… Cách viết tên riêng Việt Nam không thay đổi so với quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT.

Về tên riêng nước ngoài, có một số quy định sau: Những tên nước ngoài được dịch nghĩa hoặc phiên âm qua âm Hán Việt đã phổ biến, quen thuộc thì giữ nguyên và viết hoa giống như cách viết tên riêng tiếng Việt.

Đối với các trường hợp còn lại, có 3 cách viết. Thứ nhất, viết nguyên dạng, nếu đó là tên viết bằng chữ Latin, ví dụ: Victor Hugo, Albert Einstein, Paris,...

Thứ hai, đối với những chữ khó viết nguyên dạng thì chuyển các kí hiệu của chữ viết đó sang chữ Latin, ví dụ: Volga, Moskva, Sankt Peteburg,...

Trong trường hợp không chuyển tự được thì viết như cách viết trong tiếng Anh, ví dụ: Tokyo, Nile, Cleopatra,..

Theo ông Thuyết, việc áp dụng quy định này có lợi so với cách phiên âm có gạch nối. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc áp dụng quy định này có lợi so với cách phiên âm có gạch nối, tạo điều kiện tiện để học sinh tra cứu tài liệu và giao dịch bằng tiếng nước ngoài.

Ngoài ra, quy định này còn phù hợp khi theo chương trình giáo dục mới, học sinh sẽ được học ngoại ngữ từ lớp 3.

Tuy nhiên, quy định viết nguyên dạng tên riêng nước ngoài không áp dụng với sách giáo khoa các lớp 1, 2, 3. Cấp học này sử dụng hình thức phiên âm, có gạch nối giữa âm tiết, ví dụ: Tô-ky-ô, Mát-xcơ-va.

Ở sách giáo khoa lớp 4 và 5, bên cạnh phiên âm có tên nguyên dạng đặt trong ngoặc đơn, ví dụ Tô-ky-ô (Tokyo), Mát-xcơ-va (Moskva). Điều này giúp học sinh quen dần với cách viết nguyên dạng tiếng nước ngoài và phù hợp trình độ các em.

Lưu Ly

Tin mới