Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quy định 117 - Gắn trách nhiệm không để kỷ luật oan cán bộ

Quy định 117 như một lời nhắc nhở tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật phải thận trọng, cân nhắc để không xảy ra oan sai.

Đi liền với trách nhiệm là các biện pháp xử lý đối với tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định và cá nhân tham mưu kỷ luật…

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai ngày 18/8 đã ký ban hành Quy định 117 về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Hoan nghênh tinh thần của Đảng khi ban hành quy định này, nhiều cán bộ, đảng viên đều cho rằng đây là việc làm cần thiết.

Đảng đã từng nhận lỗi và chịu kỷ luật

Ông Lê Văn Thái - nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Đảng có quy định bằng văn bản một cách chặt chẽ, hoàn chỉnh từ đối tượng áp dụng, hình thức tổ chức, thời hạn… để khắc phục oan sai đối với tổ chức đảng, đảng viên khi bị kỷ luật. Đối tượng áp dụng được quy định khá rộng, không chỉ với tổ chức đảng, đảng viên đang làm việc, mà cả những tổ chức đảng đã giải tán, đảng viên đã qua đời…

Ông Lê Văn Thái - nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương (Ảnh: Thi Uyên)

“Việc ban hành Quy định 117 thể hiện rõ quan điểm, chủ trương của Đảng là đảm bảo tính quy chuẩn, chặt chẽ, phù hợp với việc áp dụng luật pháp ở Việt Nam trong công tác xử lý kỷ luật cán bộ đảng viên, tổ chức đảng”.

Ông Lê Văn Thái nhấn mạnh điều này, đồng thời cho rằng, sự ra đời của Quy định 117 là một tiến bộ rất lớn, cho thấy cùng với kỷ luật nghiêm minh những tổ chức đảng, đảng viên có sai phạm thì Đảng cũng đặt ra yêu cầu phải giải quyết hợp tình, hợp lý đối với những trường hợp bị kỷ luật oan sai. Tinh thần là công tội rạch ròi, cán bộ làm sai phải bị xử lý, ngược lại cán bộ bị kỷ luật sai phải được xin lỗi, khắc phục.

Không những thế, ông Lê Văn Thái còn cho rằng, Quy định 117 như một lời nhắc nhở tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật phải thận trọng, cân nhắc để không xảy ra oan sai. Đi liền với trách nhiệm là các biện pháp xử lý đối với tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định và cá nhân tham mưu kỷ luật, giúp hệ thống quản lý công tác cán bộ đảng viên hoàn chỉnh và chặt chẽ hơn.

Nhìn lại lịch sử Đảng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho biết, Đảng ta từng đứng ra nhận lỗi và xin chịu kỷ luật.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I (29/12/1956 - 25/1/1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Chính phủ nhận khuyết điểm và xin lỗi dân về những sai lầm trong cải cách ruộng đất. 

Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 10 mở rộng (từ 25/8 - 5/10/1956) để kiểm điểm việc thực hiện đường lối chính sách do Trung ương đã đề ra về công tác cải cách ruộng đất và công tác chỉnh đốn tổ chức, ông Lê Văn Lương khi ấy là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã xin rút khỏi vị trí sau khi nhận trách nhiệm về sai lầm trong công tác chỉnh đốn tổ chức đảng.

Ngoài ông Lê Văn Lương, các lãnh đạo cao nhất trong Ban Chỉ đạo Cải cách ruộng đất cũng nhận trách nhiệm về mình và chịu kỷ luật: Tổng Bí thư Trường Chinh xin từ chức; ông Hoàng Quốc Việt thôi Ủy viên Bộ Chính trị, ông Hồ Viết Thắng ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng…

Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Chính phủ nhận khuyết điểm và xin lỗi dân về những sai lầm trong cải cách ruộng đất tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I (29/12/1956 - 25/1/1957). (Ảnh tư liệu)

Dẫn câu chuyện của cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc, từng bị “kiểm điểm và tự phê bình” vì chủ trương “khoán hộ, đổi mới nông nghiệp”, ông Lê Văn Thái - nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho biết, ở thời điểm đó, tuy chúng ta chưa có một quy định bằng văn bản về việc xin lỗi, nhưng trong nhận thức, lãnh đạo Đảng thời điểm đó cũng như sau này đều nhận ra và bày tỏ lòng biết ơn đối với công lao của ông Kim Ngọc bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, 20 năm sau chủ trương khoán hộ của ông Kim Ngọc, năm 1988, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về khoán hộ (còn được gọi là khoán 10) đã chính thức được ban hành.

Gắn trách nhiệm không để kỷ luật oan cán bộ

Đại tá, PGS.TS Bùi Đình Bôn - nguyên Thư ký khoa học chuyên trách, Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng, quy định về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan cần phải được ban hành sớm hơn bởi theo tinh thần của Hiến pháp, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

Tuy nhiên muộn còn hơn không. Tổ chức, cá nhân gây ra oan sai phải nhận và xin lỗi trước nhân dân cũng như những người bị xử lý oan sai. Thậm chí phải xử lý kỷ luật, cách chức vì đã gây ra oan sai cho tổ chức và cá nhân chứ không chỉ rút kinh nghiệm nội bộ, như thế không đúng với tinh thần tự phê bình nghiêm khắc theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đại tá, PGS.TS Bùi Đình Bôn - nguyên Thư ký khoa học chuyên trách, Hội đồng Lý luận Trung ương (Ảnh: Kim Anh)

Đặc biệt, Đại tá, PGS.TS Bùi Đình Bôn còn cho rằng, tổ chức đảng, cá nhân làm oan sai cũng cần phải chịu hình thức xử lý nghiêm khắc.

“Cần thiết thậm chí phải kỷ luật, đưa ra khỏi vị trí công tác và bồi thường về danh dự, nhân phẩm và vật chất đối với người bị oan sai. Bởi ở vị trí đó, anh đã được đào tạo, có đầy đủ năng lực, hiểu biết để làm đúng, mà lại gây oan sai thì chứng tỏ anh không đủ năng lực, trách nhiệm kém và quan trọng là cái tâm của anh không trong sáng. Cán bộ vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn khi làm sai phải xử lý thật nặng”, nguyên Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương nêu quan điểm.

Tổ chức, cá nhân làm sai thì phải xin lỗi. Tuy nhiên lời xin lỗi này không ai mong muốn nhận bởi nhân cách, lòng tự trọng, sự nghiệp chính trị ở mỗi con người một khi đã bị xâm phạm, chà đạp sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, nhiều người đã mất trước khi nhận được lời xin lỗi; cũng có người khi được xin lỗi thì đã quá muộn bởi gia đình, con cái đều đã phải gánh chịu hậu quả của những quyết định oan sai, có khi làm hỏng cả cuộc đời của một con người.

Vì thế, Đại tá, PGS.TS Bùi Đình Bôn hy vọng, Quy định 117 sẽ là lời cảnh báo tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật và cán bộ đóng vai trò tham mưu kỷ luật không thể làm việc tùy tiện, bất chấp quy định của Đảng, của luật pháp, làm với cái tâm không trong sáng, thiếu tinh thần trách nhiệm, vì một lợi ích nào đó mà ra quyết định oan sai có khi sẽ làm hỏng cả cuộc đời của một con người.

Quy định cán bộ đảng viên làm sai phải nhận khuyết điểm và xin lỗi nhân dân sẽ góp phần củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào Đảng, chế độ. Vì thế, từng cán bộ, đảng viên từ trung ương xuống cơ sở phải luôn ý thức làm việc có trách nhiệm, thận trọng, khách quan, cụ thể, toàn diện. Muốn vậy phải thường xuyên học tập, tu dưỡng, có vậy người dân mới tin tưởng, chở che, đùm bọc trong những tình huống khó khăn.

Thanh Hà (VOV.VN)

Tin mới