Dù giao tranh giữa Nga và Ukraine vẫn diễn ra dữ dội, giới chức hai nước vẫn đang đàm phán để tìm cách chấm dứt xung đột. Và tình trạng “trung lập” là một trong những vấn đề được cả Kiev và Moskva đặt lên bàn đàm phán ở thời điểm hiện tại.
Theo trang tin Vox, ý tưởng về việc Ukraine đóng vai trò là cầu nối trung lập giữa Nga và phương Tây không phải là điều mới mẻ. Nhưng trong bối cảnh tình trạng giao tranh đã kéo dài đến hơn 1 tháng, ý tưởng này lại được chú ý trở lại như một giải pháp để sớm chấm dứt chiến sự và đề phòng nguy cơ xảy ra xung đột trong tương lai.
Nói rộng hơn, trạng thái trung lập của Ukraine có thể buộc chính phủ Kiev từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời không cho phép NATO triển khai quân đội và vũ khí trên lãnh thổ nước này. Nhưng đổi lại, Ukraine có thể nhận được một số đảm bảo an ninh, và ngăn chặn một “chiến dịch quân sự" khác.
Phái đoàn Nga và Ukraine trong cuộc đàm phán ngày 28/2. (Ảnh: TASS)
Tuy nhiên, giải pháp này dường như không dễ thực hiện khi Kiev và Moskva có cách lý giải định nghĩa “trung lập" khác nhau. Một trong những cách diễn giải này là mục tiêu “phi quân sự hóa” Ukraine - điều mà Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn nhấn mạnh.
“Chúng ta vẫn chưa thể chắc chắn về ý nghĩa thật sự của thuật ngữ “trung lập” được sử dụng ở đây”, Mark Kramer, giám đốc Dự án Nghiên cứu Chiến tranh Lạnh tại Trung tâm nghiên cứu Nga và Á-Âu thuộc Đại học Harvard (Mỹ), cho biết. “(Với Nga), đó có thể là một sự lệ thuộc hoàn toàn vào nước này, điều mà nhiều người Ukraine muốn bác bỏ triệt để".
Những hình mẫu tại châu Âu
Châu Âu không còn xa lạ với thuật ngữ “trung lập”, dù là ở thế kỷ 19 hay trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Ulrika Möller, phó giáo sư khoa Chính trị học tại Đại học Gothenburg (Đức), cho rằng “trung lập” là cách thức để các nước nhỏ hơn bảo vệ tính toàn vẹn chính trị của họ trước một nước láng giềng lớn hoặc một cường quốc trong khu vực.
Một phiên bản "trung lập hóa" có thể được áp dụng cho Ukraine như một giải pháp thoát khỏi tình trạng hiện nay. Tuy nhiên, chính sách này chỉ có thể hiệu quả khi không chỉ Kiev mà cả Nga và phương Tây thấy được lợi ích của mình trong việc duy trì trạng thái này.
Hiện tại, Áo, Phần Lan, Thụy Điển, Ireland và Malta là các quốc gia thuộc liên minh châu Âu (EU) duy trì trạng thái trung lập. Trong khi Thụy Sĩ cũng là nước trung lập nhưng không thuộc EU.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, hai bên đang thảo luận về khả năng duy trì trạng thái trung lập giống như Áo hoặc Thụy Điển đối với Ukraine. Theo các chuyên gia, Áo có thể là hình mẫu tốt nhất cho một Ukraine trung lập trong tương lai.
Áo thông qua chế độ trung lập vĩnh viễn năm 1955. Ảnh: VOTAVA
Năm 1955, Áo đã thông qua chế độ trung lập vĩnh viễn vào hiến pháp của mình. Nước này sẽ không tham gia các liên minh quân sự, không đứng về phía nào nếu chiến tranh xảy ra trong tương lai, cũng như không cho phép nước khác đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình.
Tình trạng trung lập đối với Ukraine cũng được xem là một công cụ chính trị lý tưởng: Một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có thể trở thành vùng đệm giữa Nga và phần còn lại của châu Âu, với vao trò duy trì mối quan hệ giữa các bên. Nhưng sau cuộc xung đột kéo dài suốt hơn 1 tháng qua, nhiều người lo ngại quá trình này sẽ phức tạp hơn.
Vấn đề khiến các bên 'mắc kẹt'
Nhưng ngay cả khi Ukraine chấp nhận trung lập, một câu hỏi lớn được đặt ra là ai sẽ bảo đảm vị thế trung lập của nước này?
Vlad Mykhnenko, nhà phân tích địa lý và kinh tế tại Đại học Oxford (Anh), người từng nghiên cứu về cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, nhận định ngay cả khi một hiệp ước được ký kết, thì vẫn có rất ít ràng buộc có thể ngăn cản Nga phá vỡ nó.
Ông Mykhnenko cũng cho rằng, nếu một nước Ukraine trung lập vẫn bị tấn công thêm lần nữa, cần phải có một "sự đảm bảo trợ giúp về mặt quân sự trên mặt đất".
Theo Vox, các ứng cử viên tiềm năng để “chống lưng” cho Ukraine bao gồm châu Âu, Mỹ và NATO. Tuy nhiên, một số ý kiến nghi ngại liệu điều đó có được Nga chấp nhận hay không. Bởi nếu NATO trở thành người bảo đảm cho tình trạng trung lập của Ukraine, thì đây không phải cách mà Moscow mong muốn.
Trong trường hợp các đồng minh NATO cam kết hỗ trợ Ukraine nếu Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt" thêm lần nữa, điều đó không khác gì với việc Kiev được hưởng các quyền lợi như một thành viên của NATO, trừ tên gọi.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc đối thoại với các bộ trưởng Ba Lan, Slovenia và Cộng hòa Czech. (Ảnh: AP)
Ông P. Terrence Hopmann, giáo sư khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho rằng sau những gì vừa xảy ra, Ukraine sẽ khó chấp nhận vị thế trung lập nếu không có một số đảm bảo an ninh nghiêm túc.
Còn theo các chuyên gia khác, những cơ chế phi quân sự, như các biện pháp trừng phạt tự động, có thể là một lựa chọn. Tuy nhiên, điều này có vẻ vẫn chưa đủ đối với một quốc gia đang thúc giục phương Tây thiết lập vùng cấm bay. “Đó là vấn đề chúng ta đang bị mắc kẹt ngay lúc này, theo nhiều cách”, ông Hopmann nói.
Khó giải quyết trên bàn đàm phán
Quan điểm theo “chủ nghĩa tối đa” của Điện Kremlin có thể khiến Nga không hài lòng với tình trạng trung lập của Ukraine, dù những tổn thất trên chiến trường và sự phản kháng của Kiev có thể đã làm thay đổi những toan tính của Moskva.
Trung lập có thể giải quyết tình trạng hiện nay, nhưng nó không phải vấn đề duy nhất. Một số yêu cầu mà Nga đã đưa ra bao gồm cả “phi quân sự hóa” và “phi hạt nhân hóa” Ukraine, điều mà nhiều người dân nước này chưa thể đồng ý ở thời điểm hiện tại.
Chưa rõ việc "phi quân sự hóa" được hiểu chính xác như thế nào, nhưng các chuyên gia cho rằng, điều đó có nghĩa là giới hạn vũ khí tấn công hoặc quân số của quân đội Ukraine. Tuy nhiên, ý tưởng về việc Ukraine sẽ từ bỏ quân đội ngay sau cuộc xung đột là điều bất khả thi. Hơn nữa, hầu hết các nước trung lập vẫn duy trì quân đội của riêng mình.
Binh sĩ Ukraine trong một tòa nhà bị phá hủy ở Stoyanka. (Ảnh: AP)
Bên cạnh đó, còn có những câu hỏi về việc liệu Moskva có yêu cầu công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Crưm hay các khu vực ly khai ở vùng Donbass phía đông Ukraine hay không.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, người đang hỗ trợ các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, gần đây cho biết dù có động lực, "không dễ dàng gì để các bên đàm phán trong khi chiến sự vẫn diễn ra và nhiều người vẫn thiệt mạng".
“Kết quả cuộc xung đột này sẽ chỉ được giải quyết trên chiến trường”, ông Vlad Mykhnenko nói. “Tôi e rằng đó là một sự thật cơ bản. Bất kể cuộc thảo luận, đàm phán, hay quyết định nào được đưa ra ở Belarus hay Istanbul cũng đều chỉ là màn trình diễn bên lề”.