Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên giữa lòng Văn Miếu Hà Nội

(VTC News) -

Triển lãm “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” được bài trí độc đáo từ nội dung đến thiết kế tại Văn Miếu Hà Nội.

Video: Triển lãm "Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên"

Triễn lãm do Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức, gồm hai không gian tĩnh và động, trong nhà và ngoài trời, cùng hơn 200 tài liệu, hiện vật được thể hiện cả bằng công nghệ hiện đại, minh chứng cho quá trình hình thành và phát triển ngôi trường Quốc học đầu tiên của nước nhà.

Từ dãy nhà Đông vu, khu thứ tư của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, du khách được đắm mình vào chuyến du hành lịch sử sống động. Điểm xuất phát là Quốc Tử Giám, khởi đầu dưới thời Lý, phát triển dưới thời Trần - Hồ, đạt đỉnh cao thời Lê sơ - Mạc - Lê Trung Hưng rồi biến đổi dưới thời Nguyễn và kết thúc ở sự hồi sinh của di tích thời đươ+ng đại.

Mỗi giai đoạn trong lịch sử hình thành và phát triển của Quốc Tử Giám đều để lại dấu ấn riêng với sự xuất hiện của các danh nhân văn hóa, cùng các sự kiện lịch sử tiêu biểu diễn ra tại Trường Quốc học đầu tiên này.

Lý giải về cách sắp đặt không gian triển lãm trong nhà, ông Patrick Hoarau - Chuyên gia đồ họa, trưởng nhóm thiết kế - cho biết: “Kịch bản trưng bày của cuộc triển lãm thể hiện theo trình tự dòng thời gian. Đó là trục thời gian dẫn chúng ta đi từ thời điểm Nho giáo du nhập vào Việt Nam với những tư tưởng của Khổng Tử cho đến ngày nay. Trục thời gian đó giống như một dòng sông gắn liền với những dòng chảy đưa chúng ta đến những thời điểm, giai đoạn khác nhau của quá trình phát triển về mặt tri thức”.   

Du khách chăm chú theo dõi bức ảnh màu lần đầu tiên xuất hiện tại triển lãm. (Ảnh: Quàng Đạt)

Những tư liệu, hiện vật về lịch sử, văn hóa của Quốc Tử Giám được thể hiện bắt mắt, sáng tạo thông qua hình ảnh, chữ viết, đặc biệt là sự xuất hiện của thiết bị điện tử thông minh giúp du khách dễ dàng tìm hiểu, theo dõi thông tin chú thích. Những bức ảnh màu và hiện vật quý hiếm lần đầu tiên được công bố trước công chúng đã khắc họa sinh động về từng giai đoạn gây dựng, phát triển của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Phía cuối dãy nhà Đông vu, từng gợn sóng của bức tường nước tỏa ra ánh sáng lấp lánh gợi cho du khách những liên tưởng về truyền thống đạo học xưa. Nước là yếu tố quan trọng đối với di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vừa để minh họa cho sự tồn tại của những hồ nước được xây dựng, phân bố chặt chẽ một cách có dụng ý trong khu di tích; vừa để khơi gợi, nhấn mạnh về truyền thống “tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn” của cha ông ta.

Thu hút sự tò mò của đông đảo du khách là hoạt động viết chữ Hán bằng bút lông. Từ người cao tuổi, trung niên đến các bạn trẻ hào hứng thử từng chiếc bút lông, “múa” từng dòng chữ Hán trên tường. Một số du khách khác cũng thích thú ghi lại khoảnh khắc thú vị ấy bằng máy ảnh, điện thoại thông minh của mình.

Bức tường nước phía cuối dãy nhà Đông vu. (Ảnh: Quàng Đạt)

Ngay sau dãy nhà Đông vu, không gian triển lãm ngoài trời được thiết kế phác họa bức tranh chân thực về cuộc đời của các nho sinh tại làng quê, mộc mạc mà gần gũi. Đó là không gian học hành, thi cử sắp xếp theo từng chặng đường, từ thời điểm học hành tại trường, lên kinh đô thi cử, đỗ đạt rồi trở về quê hương “vinh quy bái tổ”.

Cách bài trí mô hình lớp học thời xưa, phục dựng lều chõng đi thi ở chốn kinh thành theo trình tự khiến không gian trưng bày ngoài trời giống như một “khu vườn tri thức” giúp người xem theo dõi hành trình tôi luyện, nỗ lực học hành, thi cử của các sĩ tử thời xưa dưới Trường Quốc học đầu tiên của Việt Nam. 

Bên cạnh đó, không gian trưng bày ngoài trời còn được thiết kế nhằm tổ chức những hoạt động mang tính truyền thống của Quốc Tử Giám như trải nghiệm, tìm hiểu về quy trình làm giấy dó; in tranh truyền thống “vinh quy bái tổ”; trưng bày hiện vật, đồ lưu niệm… Tất cả những hoạt động này tạo ra sức hấp dẫn đặc biệt không chỉ với khách tham quan Việt Nam mà còn với du khách nước ngoài đến từ Cộng hòa Pháp, Trung Quốc, Indonesia hay Ấn Độ. 

“Ba nhóm thiết kế của triển lãm thực sự tuyệt vời. Họ rất am hiểu văn hóa Việt Nam. Từ trước đến nay chưa bao giờ có một chương trình vinh danh nền khoa cử Việt Nam thế này. Hiện vật được hiển hiện phong phú dưới nhiều dạng thức khác nhau nên giờ họ làm được một chương trình ý nghĩa như vậy, tôi rất khâm phục”, nhà văn, nhà phê bình Đặng Văn Sinh (Chí Linh, Hải Dương) nói.

Lớp học của nho sinh ngày xưa được mô phỏng lại. (Ảnh: Quàng Đạt)

Chia sẻ về nét đặc biệt, độc đáo của triển lãm, TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, triển lãm là sự hội tụ về trí tuệ, kinh nghiệm, đặc biệt là tình yêu của các chuyên gia Pháp đối với Việt Nam, Hà Nội và Quốc Tử Giám. Vì tình yêu đối với văn hóa Việt Nam, các chuyên gia đã vượt qua những khó khăn, nhất là trong giai đoạn COVID-19 để cùng nhau nghiên cứu nội dung, về mặt thiết kế, thi công đến tổ chức trưng bày.

Gần ba năm làm việc, nghiên cứu, dù những tư liệu, hiện vật về Quốc Tử Giám không còn nhiều, nhưng nhóm thiết kế đã rất thành công khi mang đến một phong cách triển lãm đầy mới mẻ và sáng tạo tại trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên”.

Triển lãm không chỉ tái hiện sinh động những “thước phim” lịch sử về sự ra đời của di tích Văn Miếu, phác họa chân thực cuộc đời của nho sinh thuở xưa mà còn truyền tải thông điệp sâu sắc về truyền thống đạo học, khoa cử ở Việt Nam.

Chu Thu

Tin mới