Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 27/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Với 468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,74%), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Trước đó, trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, ngày 26/10, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến tại hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). (Ảnh: Quochoi.vn).
Ngày 14/11, UBTVQH cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp 6. Ngày 25/11, UBTVQH đã có Báo cáo số 699 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gửi các vị đại biểu Quốc hội.
Về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước (Chương III), ông Lê Quang Huy cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các quy định mang tính kỹ thuật như: phòng, chống ô nhiễm nước biển tại Điều 33.
Khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt tại Điều 43; thu gom, xử lý nước đã qua sử dụng trong sản xuất công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản tại Điều 47; phòng, chống xâm nhập mặn tại Điều 64; phòng, chống sụt, lún đất tại Điều 65; phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ tại Điều 66.
Về việc có ý kiến đại biểu đề nghị xác định rõ cơ sở pháp lý để xác định dòng chảy tối thiểu, UBTVQH cho rằng, việc quy định dòng chảy tối thiểu trong dự thảo Luật được kế thừa từ Luật Tài nguyên nước năm 2012, Nghị quyết số 62 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thuỷ điện và được triển khai thực hiện ổn định nhiều năm qua. Do đó, đã có đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn cho việc quy định về dòng chảy tối thiểu.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy khẳng định, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung, chỉnh lý quy định về ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, tích trữ nước.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chiều 27/11. (Ảnh: Quochoi.vn).
Có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo (khoản 2 Điều 4).
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất (khoản 1 Điều 39), đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất (khoản 3 Điều 39).
Tiếp thu, giải trình quy định về kê khai, đăng ký, cấp phép về tài nguyên nước (Mục 3, Chương IV), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, khoản 5 Điều 53 dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Đồng thời, quy định chuyển tiếp việc hoàn thành thủ tục đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước cho các công trình thuỷ lợi chậm nhất là ngày 30/6/2027, quy định tại khoản 6 Điều 86 dự thảo Luật.
Về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả (Mục 4, Chương IV), có ý kiến đề nghị cần xác định tỷ lệ nước phải tuần hoàn, tái sử dụng cho từng dự án cụ thể để tăng cường trách nhiệm của chủ dự án khi lựa chọn áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và xử lý nước thải. UBTVQH nhận thấy, để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Điều 59 dự thảo Luật đã quy định sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước theo 3 cấp độ.
Khoản 4 Điều 59 dự thảo Luật quy định giao UBND cấp tỉnh có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án tái sử dụng nước đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các hình thức ưu đãi theo quy định của pháp luật. Theo đó, UBND cấp tỉnh sẽ xem xét, quyết định tỷ lệ nước phải tuần hoàn, tái sử dụng đối với từng dự án. Do đó, cơ quan soạn thảo xin được giữ như dự thảo Luật…
Ngoài các vấn đề nêu trên, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện văn phong, kỹ thuật văn bản dự thảo Luật.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 10 Chương, 86 Điều, bổ sung 7 Điều, bỏ 4 Điều, tăng 3 Điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội.