Có 476 đại biểu tham gia biểu quyết về Luật Giá (sửa đổi), trong đó 459 đại biểu tán thành (92,91%). Có 10 đại biểu không tán thành (2,02%) và 7 đại biểu không biểu quyết (1,42%). Quốc hội thông qua Luật Giá (sửa đổi).
Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Giá (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 và thứ 5. Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết và xác đáng. Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ tất cả các ý kiến và chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Quốc hội thông qua Luật Giá sửa đổi.
Trước khi biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày trước Quốc hội Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự án Luật Giá (sửa đổi). Báo cáo đề cập đến một số nội dung về bình ổn giá, định giá của Nhà nước, hiệp thương giá, kê khai giá, niêm yết giá, kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá, thanh tra chuyên ngành về giá,...
Trong thảo luận dự án Luật Giá (sửa đổi), có nhiều ý kiến về việc đưa hay không đưa mặt hàng “sữa dành cho người cao tuổi” và “thịt lợn” vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. UBTVQH xin Quốc hội cho phép không quy định các mặt hàng này tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.
Có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc trong công tác quản lý, điều tiết giá, Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp. UBTVQH nhận thấy, ý kiến này là hợp lý và trên thực tế thì Nhà nước cũng đã thực hiện việc bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước (NSNN) để thực hiện nhiệm vụ trên, bao gồm bố trí dự phòng ngân sách Trung ương theo Luật NSNN để xử lý các tình huống cần thiết, thẩm quyền được giao Thủ tướng Chính phủ; mua, xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia. Những nguồn lực này trực tiếp, gián tiếp đều góp phần bình ổn giá.
Đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, đa số ý kiến tán thành với đề nghị của Chính phủ: Nhà nước định giá tối đa (giá trần) để đảm bảo lợi ích nhân dân; có ý kiến đề nghị nên bỏ quy định về khung giá. Trên cơ sở căn cứ bối cảnh thực tế, nghiên cứu thận trọng các luồng ý kiến khác nhau, dựa trên nguyên tắc quyết định theo đa số, tại thời điểm hiện nay, UBTVQH xin Quốc hội cho phép quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không nội địa.
Có ý kiến đề nghị quy định khung giá đối với sách giáo khoa (quy định cả giá sàn). Để ổn định thị trường đối với giá sách giáo khoa, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, UBTVQH xin Quốc hội cho phép chỉ quy định giá trần, không quy định giá sàn đối với mặt hàng sách giáo khoa tại Dự thảo Luật.
Về hiệp thương giá, kê khai giá, niêm yết giá, kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, có ý kiến đề nghị chỉnh lý rõ quy định về các trường hợp thực hiện kiểm tra yếu tố hình thành giá để đảm bảo thuận lợi cho khâu tổ chức thực hiện; có ý kiến đề nghị rút ngắn thời hạn triển khai kiểm tra yếu tố hình thành giá. UBTVQH nhận thấy, ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là xác đáng. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để đảm bảo rõ ràng hơn trong quy định về các trường hợp kiểm tra yếu tố hình thành giá UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý, thể hiện hợp lý ý kiến ĐBQH tại khoản 2 Điều 31.
Về hoạt động thẩm định giá của Nhà nước thì Luật không đặt ra các trường hợp cụ thể phải thẩm định giá, mà quy định về mặt nguyên tắc và đưa ra cơ chế thực hiện thẩm định giá của Nhà nước. Các trường hợp cụ thể phải thẩm định giá của Nhà nước sẽ theo pháp luật chuyên ngành và phân cấp, phân quyền của các Bộ, ngành và địa phương.
Trường hợp cần thiết, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt giá có quyền quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá hoặc thuê doanh nghiệp thẩm định giá để làm căn cứ xem xét, quyết định giá đối với tài sản. Quy định này cũng góp phần gắn chặt trách nhiệm của người có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt giá với thẩm quyền mua sắm, quản lý tài sản. Do vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho phép không quy định rõ các trường hợp cần thực hiện thẩm định giá của Nhà nước, trường hợp có thể thuê doanh nghiệp thẩm định tại Dự thảo Luật.
Về thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, có ý kiến đề nghị rà soát, chỉnh lý lại quy định về thẩm quyền triển khai kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá đảm bảo phù hợp với thực tiễn và các quy định có liên quan. Có ý kiến đề nghị chỉnh lý tại tên Điều 67 cho phù hợp với quy định tại Luật Thanh tra. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan chỉnh lý tên Điều 67 thành “Mục đích của thanh tra, kiểm tra” và chỉnh lý, thể hiện hợp lý tại Điều 70 Dự thảo Luật.
Ngoài ra, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, lấy ý kiến các cơ quan liên quan để hoàn thiện, bảo đảm tính thống nhất, hợp lý, khả thi trong hệ thống luật và thể hiện cụ thể tại Điều 73 trong Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.