Theo một báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, Snowden là một nhân viên thường xuyên xung đột với quản lý và 2 tuần trước khi tiến hành tải trái phép các dữ liệu bảo mật, nhân viên hợp đồng của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã bị cấp trên khiển trách nặng nề.
Bên cạnh đó, Snowden còn có hành vi làm giả lý lịch cá nhân và gian lận trong cuộc thi đầu vào để vào làm tại NSA. Snowden sau đó đã lợi dụng vị trí của mình để xâm nhập máy tính của các đồng nghiệp.
Bản tóm tắt 4 trang của bản báo cáo chính thức 36 trang còn cho hay phần lớn dữ liệu mà Snowden đánh cắp không liên quan tới vi phạm quyền riêng tư mà chứa các chương trình tình báo và quốc phòng liên quan mật thiết tới lợi ích của nước Mỹ.
Báo cáo khẳng định Snowden là một "kẻ phản bội" đối với đồng nghiệp và đất nước mình và do đó không nên được coi là đối tượng được pháp luật bảo vệ.
Đáp lại, trên trang Twitter cá nhân của mình, Snowden cho rằng người dân Mỹ xứng đáng nhận được nhiều thông tin hơn sau một cuộc điều tra kéo dài suốt 2 năm.
Năm 2013, Snowden, một nhân viên hợp đồng có quyền tiếp cận các thông tin mật của NSA, đã sao chép và làm rò rỉ nhiều thông tin mật liên quan tới các chương trình do thám toàn cầu của cơ quan này. Chính quyền Mỹ đã buộc tội và ra lệnh bắt giữ Snowden, song ông này đã sang Moskva xin tị nạn.
Nhiều tổ chức nhân quyền đã vận động để Tổng thống Mỹ Barack Obama giảm tội cho Snowden, hiện đang hưởng quy chế tạm trú tại Nga.
Tuy nhiên, ngày 14/9, thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest bác bỏ khả năng trên. Theo ông Earnest, hành động của đối tượng này đã đe dọa an ninh quốc gia và người dân Mỹ, do đó nhân vật này cần phải trở về Mỹ và đối mặt với các cáo buộc của mình.
Theo quy định của luật pháp Mỹ hiện hành, nếu bị đưa ra xét xử, Snowden có thể phải đối mặt với mức án 30 năm tù giam.
Video: Điệp viên gây thiệt hại nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ