Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quốc hội khóa XV: Hoàn cảnh bất thường, quyết sách táo bạo

(VTC News) -

Bắt đầu một nhiệm kỳ với vô vàn áp lực, khó khăn giữa đại dịch COVID-19, nhưng Quốc hội khóa XV nhanh chóng, chủ động nhập cuộc với những quyết sách táo bạo.

 

Tháng 5/2021 - thời điểm Việt Nam tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, thế giới đã trải qua 17 tháng đối mặt với đại dịch COVID-19.

Việt Nam cũng bước vào làn sóng dịch thứ tư, lây lan rất nhanh trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang và lan ra cộng đồng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Dịch bệnh khiến các địa phương phải tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, số lượng người cách ly để điều trị và phòng dịch ngày càng lớn khiến không ít người đặt vấn đề nên hoãn cuộc bầu cử tới thời điểm thích hợp hơn. Tuy nhiên, sau khi bàn thảo kỹ càng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước vẫn quyết định tổ chức bầu cử đúng kế hoạch.

 

Với quyết tâm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cuộc bầu cử tạo nên kỷ lục khi có số lượng cử tri lớn nhất từ trước đến nay, với gần 70 triệu lá phiếu cử tri được bỏ tại 84.767 khu vực bỏ phiếu, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,6% và đặc biệt, không vì tổ chức bầu cử mà gây lây lan hay bùng phát dịch.

Nhìn lại bối cảnh của cuộc bầu cử, ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - khẳng định, đây là cuộc bầu cử rất đặc biệt, một sự kiện chính trị quan trọng thu hút sự quan tâm của Nhân dân cả nước và quốc tế, diễn ra trong bối cảnh đặc biệt.

Chia sẻ về những khó khăn, thử thách mà COVID-19 gây ra, Tổng Thư ký Quốc hội cho hay, đến ngày bầu cử (23/5/2021) đại dịch đã lây lan nhanh trên địa bàn ở 30 tỉnh, thành phố, gây tác động rất nặng nề về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, nhiều nơi phải thực hiện yêu cầu nghiêm ngặt về giãn cách xã hội.

Trong bối cảnh đó, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã kịp thời ban hành 10 văn bản hướng dẫn công tác tổ chức bầu cử an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh, tập trung vào các nội dung như hướng dẫn rà soát, cập nhật danh sách cử tri đang thực hiện cách ly; giảm số lượng và đổi mới hình thức tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử theo hình thức trực tiếp và trực tuyến…

Áp lực đối với các thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia là rất lớn. Ngay từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, thường trực câu hỏi đặt ra đối với Hội đồng Bầu cử Quốc gia là: Có tổ chức được bầu cử không và liệu tổ chức được có thành công không?

 

"Có những ngày, với sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, lãnh đạo Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, lãnh đạo các tiểu ban, lãnh đạo Bộ Y tế và các cơ quan hữu quan đã họp bàn cả ngoài giờ hành chính, thậm chí xuyên đêm, để bàn về giải pháp, lên phương án tổ chức bầu cử bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh. Nhiều ngày liền Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia không ngừng sáng đèn", ông Bùi Văn Cường nhớ lại.

Song, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, với ý thức trách nhiệm cao và tinh thần chủ động, sáng tạo, Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Hội đồng Bầu cử các cấp đã hoàn thành tốt việc chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đối với các địa phương và cơ quan, tổ chức hữu quan, bảo đảm kịp thời, chi tiết, cụ thể, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với bối cảnh tình hình thực tế của địa phương. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho địa phương trong tổ chức thành công cuộc bầu cử.

"Có thể khẳng định rằng, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, thống nhất, sát sao, toàn diện, đồng bộ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự vào cuộc, chung sức đồng lòng, đoàn kết thống nhất của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân và cử tri cả nước, cuộc bầu cử đã thành công rất tốt đẹp, trở thành cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước tới nay", ông Bùi Văn Cường nói.

 

Với tinh thần chủ động đổi mới, vào cuộc từ sớm - từ xa, việc xây dựng luật và ban hành các quyết sách quan trọng, chưa từng có tiền lệ, được Quốc hội khóa XV với tinh thần dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung thực hiện quyết liệt.

Nghị quyết số 30/2021/QH15 - Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ nhất là minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần đó, Quốc hội thống nhất việc Chính phủ, Thủ tướng được chủ động, linh hoạt quyết định triển khai các giải pháp cấp bách đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch COVID-19.

Đánh giá về Nghị quyết số 30, TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - bày tỏ, đây là một trong những phản ứng thiết thực, đáp ứng tình hình đất nước đặt ra ở thời điểm đó.

 

Ông Dũng nêu thực tế, khi COVID-19 xảy ra, các cá nhân có thẩm quyền như Chủ tịch nước, Thủ tướng hoặc cơ quan có thẩm quyền là Ủy ban Thường vụ Quốc hội… phải công bố tình trạng khẩn cấp. Khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp thì mới có thể áp dụng các biện pháp hạn chế quyền con người của người dân và có các thẩm quyền do tình trạng khẩn cấp phát sinh cho cơ quan hành pháp.

Tuy nhiên, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nước ta chỉ có pháp lệnh (văn bản quy phạm pháp luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành trong một số trường hợp được pháp luật quy định cụ thể) chứ không có luật ban bố tình trạng khẩn cấp.

Nhưng nếu dựa trên pháp lệnh để hạn chế quyền con người sẽ vi phạm Hiến pháp 2013 là quyền con người, quyền công dân chỉ được hạn chế bằng luật. "Vì vậy, thời điểm đó, giải pháp đưa ra là Quốc hội ban hành nghị quyết giao quyền cho Chính phủ, Thủ tướng. Tất nhiên đó cũng không phải là ban bố tình trạng khẩn cấp mà là giao Chính phủ và Thủ tướng một số quyền", ông Dũng nói.

Ông Dũng lý giải thêm, từ Nghị quyết số 30, Chính phủ có thể yêu cầu người dân thực hiện việc test COVID-19, hạn chế đi lại, cách ly… những chỉ đạo này đều là vượt quyền của Chính phủ, Thủ tướng khi chưa có nghị quyết.

 

Trong thời gian Quốc hội không họp nhưng với tinh thần khẩn trương, đồng hành cùng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức một số phiên họp bất thường, ngoài giờ để kịp thời ban hành hàng loạt các quyết hỗ trợ kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch COVID-19.

Có thể kể đến Nghị quyết số 268 cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19; Nghị quyết số 03/2021 ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với khoản hỗ trợ khoảng 38.000 tỷ đồng thông qua phát tiền mặt trực tiếp cho người lao động nhằm góp phần ổn định đời sống nhân dân.

Hay Nghị quyết số 393 về bổ sung dự phòng ngân sách trung ương từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; Nghị quyết số 12/2021 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Gỡ bỏ quan niệm "Xuân - Thu nhị kỳ" với 2 kỳ họp mỗi năm, ngay đầu tháng 1/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Đây được coi là quyết định lịch sử của Quốc hội Việt Nam, khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, khẳng định Quốc hội luôn nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích Nhân dân.

 

Kỳ họp bất thường đã xem xét, biểu quyết thông qua 1 luật, 3 nghị quyết chuyên đề và nghị quyết chung của kỳ họp. Đặc biệt, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 8% GDP để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Quyết sách này đã góp phần đưa tăng trưởng GDP năm 2022 tăng 8,02%, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, thu ngân sách tăng cao, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động tăng mạnh, một số ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đã phục hồi trở lại như du lịch, lữ hành, dịch vụ…

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, luật pháp không quy định rõ trong 1 năm có thể tổ chức thêm bao nhiêu kỳ họp nhưng có quy định về việc tổ chức kỳ họp bất thường. Theo đó, khoản 2, Điều 83 của Hiến pháp 2013 nêu: "Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường".

Còn Điều 90 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: "Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường". Rõ ràng, việc Quốc hội họp bất thường là việc bình thường và hoàn toàn hợp hiến, hợp pháp.

 

Theo ông Dũng, trong tình trạng dịch bệnh khó khăn, việc chi tiêu, các chính sách lớn của Chính phủ không đáp ứng được thực tiễn nên Quốc hội phải tổ chức họp bất thường để đáp ứng nhu cầu khách quan.

"Ví dụ Nghị quyết số 43 tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, việc duyệt chi 350.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vượt quá thẩm quyền Chính phủ, Quốc hội phải phê chuẩn. Nghị quyết là phản ứng kịp thời, kết quả chúng ta đã thấy rõ", ông Dũng nhấn mạnh.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã họp 4 kỳ bất thường, phản ánh nhu cầu của đất nước, của đời sống kinh tế - xã hội đang rất sôi động. Ông Dũng cho rằng đây cũng là những bước đầu chúng ta hướng đến một Quốc hội chuyên nghiệp, hoạt động thường xuyên hơn giống như Quốc hội các nước họp quanh năm.

"Điều này cũng phản ánh quản trị quốc gia đi bằng hai chân. Bên hành pháp (Chính phủ) hoạch định thì bên lập pháp (Quốc hội) thẩm định; bên hành pháp thực hiện thì bên lập pháp giám sát. Nếu Quốc hội không họp thì quy trình quản trị quốc gia chỉ đi bằng một chân, dễ dẫn đến những sai lầm", nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá.

 

Nguồn:

Tin mới