Sáng 13/5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 23, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.
Trình bày Tờ trình về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22 ngày, khai mạc vào ngày 22/5 và dự kiến bế mạc vào ngày 23/6.
Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt, trong đó có bố trí Quốc hội làm việc 2 ngày thứ bảy tại đợt 1, cụ thể: đợt 1 là 17 ngày (22/5 - 10/6) và đợt 2 là 5 ngày (19/6 - 23/6).
Tổng Thư ký Quốc hội Quốc hội Bùi Văn Cường.
Liên quan đến nội dung này, ông Bùi Văn Cường nêu rõ, có ý kiến cho rằng việc tổ chức kỳ họp họp thành 2 đợt được coi là có sự đổi mới, đột phá, nhưng đề nghị cân nhắc kỹ, nghiên cứu bố trí phương án hậu cần cho phù hợp, nhất là đối với những Đoàn đại biểu Quốc hội ở xa để thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí. Có ý kiến đề nghị xem xét điều chỉnh thời gian giữa 2 kỳ họp hoặc nghiên cứu bố trí Quốc hội họp 1 đợt bằng hình thức trực tuyến và 1 đợt bằng hình thức tập trung.
Theo Tổng thư ký Quốc hội, việc bố trí kỳ họp thành 2 đợt, trong đó ấn định thời gian của đợt 1 (kết thúc ngày 10/6) để cơ bản thảo luận xong các nội dung và các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan có thời gian cho việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trong khoảng 1 tuần nghỉ giữa 2 đợt; đồng thời, cũng tạo điều kiện để các vị đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm giải quyết các công việc ở bộ, ngành, địa phương.
"Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội do hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, đồng thời là để bảo đảm điều kiện tiến hành các phiên họp về nhân sự, việc biểu quyết các nội dung của kỳ họp", ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Theo dự kiến nội dung chương trình, ngay trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 5 (ngày 22/5), sau phiên khai mạc, Quốc hội sẽ họp riêng để quyết định công tác nhân sự.
Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến góp ý, căn cứ tình hình thực tế, cân nhắc thời gian, cách thức tiến hành kỳ họp và yêu cầu riêng đối với một số nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến tăng thời gian trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cụ thể là tăng từ 20 phút lên 25 phút.
Bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội 3 nội dung: Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024; Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 và thứ 4 của Quốc hội.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 4,5 ngày làm việc, về cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, để có thẩm tra chính thức. Do đó, ông Vương Đình Huệ đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội rà soát để thẩm tra chính thức các nội dung, bảo đảm hoàn thiện hồ sơ tài liệu để gửi các đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngay sau phiên họp này, Tổng Thư ký Quốc hội rà soát và có văn bản thông báo các việc còn chậm và nêu rõ thời hạn cuối cùng để giao việc cho các cơ quan hữu quan, cả cơ quan trình và cơ quan thẩm tra.
"Nguyên tắc là không xem xét, không đưa vào chương trình kỳ họp các nội dung quá thời hạn, không đủ điều kiện để bảo đảm kỷ luật thực hiện quy định của pháp luật", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trước thềm khai mạc kỳ họp, sẽ có họp giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Cán sự đảng Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan hữu quan và TP Hà Nội để rà soát lại toàn bộ công tác bảo đảm cho kỳ họp và sẽ có họp báo để cung cấp thông tin về kỳ họp theo quy định của pháp luật.