Quốc hội luôn đồng hành cùng dân tộc, giai đoạn nào, điều kiện nào cũng hoàn thành trọng trách của mình, nhất là những khóa gần đây, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội ngày càng được nâng lên.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá Quốc hội khóa XV đã và đang có nhiều cải tiến, đổi mới trong công tác lập pháp, nhằm tạo hành lang pháp lý cho đổi mới cơ chế quản lý, cơ cấu lại nền kinh tế.
Theo đó, Quốc hội có nhiều sáng kiến, đề xuất đổi mới hoạt động lập pháp với những nội dung chưa từng có trong tiền lệ hoạt động của Quốc hội.
Điều này thể hiện ở việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30 tại kỳ họp thứ nhất để ủy quyền, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quyết định nhiều nội dung quan trọng chưa được luật quy định, hoặc khác quy định của luật để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng đó, theo Chủ tịch Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội tham mưu, trình Bộ Chính trị lần đầu tiên thông qua Đề án định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho cả khóa và ban hành Kết luận số 19 về định hướng này.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội chủ động vào cuộc "từ sớm, từ xa" trong xây dựng pháp luật.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và cơ quan, tổ chức hữu quan từ sớm, ngay từ khi lập đề nghị đưa vào Chương trình cũng như trong suốt quá trình soạn thảo, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua", ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Ông Vương Đình Huệ dẫn ví dụ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội nghiên cứu, làm việc với các bên liên quan trước hơn 1 năm dự án được thảo luận lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 4.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trên cơ sở những thí điểm đổi mới đã được chứng minh là phù hợp, có hiệu quả thực tế về cách thức tổ chức phiên họp, kỳ họp, cung cấp tài liệu... Quốc hội đã thông qua Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi Quy chế làm việc để tiếp tục nâng cao chất lượng thảo luận, quyết định các vấn đề theo thẩm quyền trên tinh thần quán triệt các yêu cầu của Đảng về "tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội".
Nhìn lại lịch sử hoạt động của Quốc hội và những thành tựu đổi mới của Quốc hội trong nửa nhiệm kỳ đầu khóa XV, TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội - cho rằng, những quyết sách đúng đắn của Quốc hội, Chính phủ trong thời gian qua đã được đáp lại bằng những thành quả quan trọng.
Đáng chú ý, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì động lực tăng trưởng và được nhiều tổ chức kinh tế, tài chính - tiền tệ và xếp hạng quốc tế đưa vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và toàn cầu.
Ông Lợi nêu, đổi mới quan trọng đầu tiên là hoàn thiện thể chế. Trong nửa đầu nhiệm kỳ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã ban hành 1.010 văn bản, gồm 23 luật, 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đổi mới tiếp theo được TS Bùi Sỹ Lợi nêu là Quốc hội tiếp tục đổi mới và tăng cường hoạt động giám sát tối cao theo hướng coi đây là "khâu trọng tâm, then chốt" để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
"Từ đầu nhiệm kỳ đã tổ chức chất vấn đối với Thủ tướng, 2 Phó Thủ tướng, 14 Bộ trưởng, trưởng ngành tại 4 kỳ họp Quốc hội, 8 Bộ trưởng, trưởng ngành tại 4 phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội", ông Lợi nêu dẫn chứng và nhận định các vấn đề được lựa chọn chất vấn, giải trình đều được Nhân dân, cử tri, dư luận xã hội và đại biểu Quốc hội đồng tình, đánh giá cao.
Đồng thời, đã và đang thực hiện 6 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội và 6 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ban hành 15 nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Đặc biệt, theo ông Lợi, tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức thảo luận tại hội trường về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đây là cách làm mới, được dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
"Điểm nhấn của Quốc hội khóa XV là thông qua Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhiều chính sách quan trọng, thành lập Tổ công tác đặc biệt theo dõi, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ và việc thực hiện các nghị quyết có liên quan, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" vừa kiểm soát hiệu quả dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội", ông Lợi đánh giá.
Ông Lợi nhìn nhận, ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, tình hình đất nước có nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ, Quốc hội tiếp tục đổi mới, đồng hành, chia sẻ với Chính phủ.
Quốc hội luôn nêu cao tinh thần tích cực, khẩn trương, chủ động, trách nhiệm vừa kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, vừa quyết định những vấn đề quan trọng có tính chiến lược, dài hạn.
"Tinh thần đó thể hiện bằng nhiều quyết sách quan trọng về kinh tế xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện tình hình lao động, việc làm, đảm bảo đời sống cho người dân", TS Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Đánh giá cao sự thay đổi, chuyển mình của Quốc hội khóa XV, TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho rằng, giờ đây các đại biểu Quốc hội đã dám nói, dám chất vấn rất thẳng, không khí dân chủ nghị trường được nâng lên, uy tín Quốc hội được nâng lên, trách nhiệm giải trình cũng được nâng lên.
"Khi Quốc hội thảo luận và dám nói mọi vấn đề ở nhiều góc cạnh thì tính minh bạch của chính sách, tính minh bạch của những phản ứng chính sách cũng được nâng lên", ông Dũng tâm đắc.
Cùng tâm niệm đó, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - khẳng định, quá trình đổi mới và phát triển của Quốc hội Việt Nam trong nửa nhiệm kỳ qua là một bước tiến dài, thể hiện trách nhiệm và quyết tâm chính trị của cơ quan quyền lực cao nhất trong việc đưa đất nước phát triển toàn diện, bao trùm và hiệu quả.
Từ đó góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra để không ngừng nâng cao tiềm lực của đất nước, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.
Theo ông Tiến, nhiều lần lãnh đạo Quốc hội đã khẳng định, Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ, đồng hành với các Bộ ngành, địa phương để thực hiện công việc chứ không phải Quốc hội chỉ ra chỉ tiêu, ra luật, ra nghị quyết rồi để đấy. Thay vào đó, Quốc hội đề ra những giải pháp để thực hiện, đồng thời giám sát rất chặt chẽ việc thực hiện các luật, các nghị quyết.
"Vai trò đồng hành không phải chỉ là xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng mà trong cả quá trình thực hiện của Chính phủ thì Quốc hội luôn song hành cùng Chính phủ để xử lý những vấn đề nóng, vấn đề phức tạp mang hơi thở cuộc sống", ông Tiến nói.
Vẫn theo ông Tiến, kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội là người đứng đầu cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, với số phiếu tín nhiệm cao trên 90% là thể hiện vai trò của người đứng đầu.
Cùng đó, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đều có tỷ lệ phiếu cao là sự thừa nhận đánh giá khách quan, của các đại biểu Quốc hội - một phúc đáp thể hiện sự đổi mới và phát triển của Quốc hội.