Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Quốc Cường Gia Lai thừa nhận giao dịch bất thường trị giá nghìn tỷ đồng

Từ 2013-2017, công ty CP Quốc Cường Gia Lai có 14 giao dịch với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng không công bố thông tin mà chỉ ghi nhận kết quả vào báo cáo tài chính.

Mới đây, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) vừa ký văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) giải trình về “những giao dịch bất thường” tại công ty này, cụ thể là các giao dịch góp và thoái vốn.

14 giao dịch trị giá hàng nghìn tỷ đồng

Văn bản giải trình có nêu rõ trong khoảng thời gian từ ngày 24/1/2013 - 26/8/2017, QCG có 14 giao dịch chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng với tổng giá trị các giao dịch lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Để làm rõ về những giao dịch này, QCG đã công bố toàn bộ các nghị quyết của Hội đồng quản trị có liên quan.

Trong đó, có những giao dịch có quy mô rất lớn như thương vụ nhận chuyển nhượng cổ phần của QCG với bà Lê Thị Kim Chính trong Công ty CP Quốc Cường Liên Á với giá trị nhận chuyển nhượng 127,46 tỷ đồng. Trong đó, QCG nhận chuyển nhượng 24,75% vốn điều lệ tương đương gần 6,2 triệu cổ phần của bà Lê Thị Kim Chính.

 Bà Nguyễn Thị Như Loan thừa nhận không công bố thông tin các thương vụ chuyển nhượng cổ phần trong 4 năm. (Ảnh: Trương Khởi)

Hay như thương vụ QCG đồng ý chuyển nhượng 94% phần vốn góp của mình trong Công ty TNHH Phú Việt Tín. Trong đó, khoản 76 tỷ đồng phần vốn góp tương đương 40% vốn điều lệ Phú Việt Tín được chuyển nhượng với giá 340 tỷ đồng cho Công ty CP Bất động sản Thịnh Vượng. Phần 102,6 tỷ đồng vốn góp tương ứng 54% còn lại được chuyển nhượng cho Công ty CP Biệt thự Thành phố với giá 459 tỷ đồng.

Một số thương vụ khác là QCG nhận chuyển nhượng 50% phần vốn góp tương đương 24,88 tỷ đồng của CTCP Hoàng Anh Gia Lai trong Công ty CP Du lịch Hoàng Cường với giá chuyển nhượng 24,88 tỷ đồng.

Vụ chuyển nhượng 65,2% vốn góp tương đương 16,3 triệu cổ phần tại Cty CP QC Liên Á cho 3 cá nhân cũng được đề cập. Số này bao gồm 7,5 triệu cổ phần (30% vốn điều lệ) cho ông Lưu Đình Phát với giá 128,85 tỷ đồng; 8,75 triệu cổ phần (35% vốn điều lệ) cho bà Lại Thị Hoàng Yến với giá 150,3 tỷ đồng; và 50.000 cổ phần (0,2% vốn điều lệ) cho bà Đặng Thị Bích Thủy với giá hơn 1 tỷ đồng.

QCG cũng công bố nghị quyết về việc nhận chuyển nhượng 39% phần vốn góp tương đương 197,73 tỷ đồng trong Công ty TNHH Bến Du Thuyền Đà Nẵng từ Danang Marina Investments Limited…

Thiếu sót do hạn chế về cập nhật quy định quản trị

Tại văn bản này, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch Hội đồng quản trị QCG thừa nhận đã thiếu sót khi không công bố thông tin kịp thời mà chỉ ghi nhận kết quả các giao dịch tại báo cáo tài chính được công bố thông tin theo quy định khi hoàn tất.

Bà giải thích rằng do liên tục có sự thay đổi nhân sự thư ký quản trị doanh nghiệp nên quá trình cập nhật các quy định quản trị còn hạn chế và hiểu chưa đúng về nội dung, thời hạn công bố thông tin “nên không tránh khỏi thiếu sót”.

Tuy vậy, theo nữ lãnh đạo này, các kết quả giao dịch đều được thể hiện kịp thời và đầy đủ tại các kỳ báo cáo tài chính theo quý, năm và được đăng tải theo đúng quy định trên các kênh thông tin đại chúng đến với công đồng.

“Công ty đã thiếu sót là chưa công bố các nội dung nghị quyết liên quan chủ trương trong quá trình triển khai thực hiện. Công ty đã thiếu sót không công bố thông tin kịp thời chỉ ghi nhận kết quả các giao dịch tại báo cáo tài chính”, văn bản của QCG nêu.

Song theo bà Loan, mục tiêu cuối cùng của công ty cũng chỉ là để đạt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận, mang đến kết quả tốt nhất cho công ty và cổ đông cũng như để đảm bảo cam kết bảo mật thông tin với đối tác, khách hàng trong các thỏa thuận hợp đồng.

Nghi vấn thủ pháp tài chính hoán đổi nợ

Lý do bà Nguyễn Thị Như Loan gửi văn bản lên HSX vì trước đó nhiều thông tin trên báo chí phân tích các thủ pháp tài chính hoán đổi nợ của QCG thông qua giao dịch với các bên thân quen.

Cụ thể, tính đến 30/9/2018, tổng số dư nợ phải trả của QCG đã lên tới 8.379 tỷ đồng. Năm 2014, công ty đã một lần hoán đổi công nợ thành vốn cổ phần, vậy vì sao QCG có khoản nợ khổng lồ này?

Nhiều chủ nợ là những cái tên quen thuộc với QCG. Nhìn vào chi tiết các giao dịch đầu tư, hoạt động kinh doanh, đây cũng chính là những cái tên xuất hiện nhiều trong các giao dịch mua bán cổ phần, cung cấp dịch vụ và bán hàng hoá của QCG.

Năm 2017, khoảng 1/3 doanh thu của QGC đến từ giao dịch với bên có liên quan, tổng giá trị gần 264 tỷ đồng, nhưng có tới gần 626 tỷ đồng chi phí đầu vào cũng được mua qua công ty có liên quan, gồm Nhà Hưng Thịnh, Đại Nam, Khang Hưng và Quốc Cường Land.

Trả lời pv sáng 24/12, bà Như Loan từ chối cung cấp thêm thông tin, và cho biết đã giải thích đầy đủ trong báo cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán. 

Nguồn: Zing News

Tin mới