Quốc Cường Gia Lai cho rằng, công ty phải trả hơn 1.441 tỷ đồng cho bị cáo Trương Mỹ Lan, số tiền còn lại xin được cấn trừ vào những khoản tiền trước đó đã đưa cho công ty của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Theo bản án sơ thẩm, để đảm bảo thi hành án cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án, HĐXX buộc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan là hơn 2.800 tỷ đồng…
Đồng thời, tiếp tục kê biên 16 bất động sản với tổng diện tích khoảng 1 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, giao Bộ Công an tiếp tục điều tra để giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên toà sơ thẩm.
Số tiền hơn 2.880 tỷ đồng và 16 bất động sản bị kê biên trong vụ án này liên quan trực tiếp đến dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM). Dự án này có quy mô gần 92 ha, do Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu, tháng 3/2017, dù chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng nhưng Quốc Cường Gia Lai đã ký “hợp đồng hứa mua hứa bán” dự án với Công ty CP Đầu tư Sunny Island - doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Giá trị chuyển nhượng dự án là 4.800 tỷ đồng.
Theo thoả thuận, chậm nhất ngày 10/9/2017, Sunny Island phải thanh toán toàn bộ số tiền này cho Quốc Cường Gia Lai. Đổi lại, Sunny Island giữ các giấy tờ đất đai tổng diện tích 65 ha của dự án mà chủ đầu tư đã đền bù xong.
Khi đến hạn, Sunny Island đã trả cho Quốc Cường Gia Lai 2.882 tỷ đồng.
Cho rằng Sunny Island vi phạm nghĩa vụ thanh toán, tháng 3/2018, Quốc Cường Gia Lai thông báo chấm dứt hợp đồng, đề nghị giao trả hồ sơ đất đai nhưng không được phía Sunny Island đáp ứng. Tháng 12/2020, Quốc Cường Gia Lai đã khởi kiện Sunny Island ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).
Khi Quốc Cường Gia Lai đang chờ VIAC phân xử, Sunny Island gửi đơn tố cáo đến Công an TP.HCM về việc Quốc Cường Gia Lai bán dự án khi chưa hoàn tất đền bù.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết yêu cầu của Sunny Island, TAND TP.HCM được Bộ Công an cho biết, toàn bộ hồ sơ đền bù 65 ha của dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển là tài liệu chứng cứ của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Việc phải hoàn trả hơn 2.800 tỷ đồng sẽ tương đương khoảng 28% tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai.
Liên quan đến vụ án, 22 bị cáo cũng kháng cáo gồm: Trương Mỹ Lan, Trương Khánh Hoàng, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn, Đỗ Thị Nhàn, Nguyễn Thị Phi Loan, Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Lan), Trần Thị Mỹ Dung, Lê Khánh Hiền, Lê Thanh Hà, Nguyễn Thị Phụng, Trương Huệ Vân (cháu ruột bị cáo Lan), Nguyễn Duy Phương, Phan Tấn Trung, Nguyễn Ngọc Tú, Mai Hồng Chín, Phạm Văn Phi, Nguyễn Cửu Tính, Nguyễn Tuấn Anh, Dương Tấn Trước, Đào Chí Kiên, Nguyễn Thanh Tùng.
Trong các bị cáo kháng cáo, đa số đều xin giảm nhẹ hình phạt, trừ bị cáo Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm; bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Đông Phương) kháng cáo xin không chịu phần bồi thường liên quan đến Công ty CP Dầu khí Đông Phương.
Bị tuyên phạt 8 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trước đó, bị cáo Nguyễn Cao Trí (54 tuổi, Cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng có đơn kháng cáo. Công ty cổ phần T&H Hạ Long và Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh kháng cáo về phần tiền phải trả cho Trương Mỹ Lan.