Thoạt nhìn, những que kem đầy màu sắc này trông thật bắt mắt và ngon miệng, thế nhưng khi biết được sự thật bên trong đó, chắc hẳn không ít người phải “nổi da gà”.
Đây là một dự án của nhóm sinh viên học tại trường Đại học Nghệ thuật Quốc gia Đài Loan. Hung I-chen, Guo Yi-hui và Cheng Yu-ti là ba sinh viên đến từ khoa Nghệ thuật, họ tạo ra những que kem nhưng lại không chú trọng vào hương vị của chúng, thay vào đó là đem đến cái nhìn cận cảnh hơn về sự ô nhiễm mà nguồn nước đang phải gánh chịu mỗi ngày. Chủ đề của dự án này mang tên Polluted Water Popsicles (tạm dịch: Những que kem ô nhiễm).
Trong suốt dự án dài hơi này, cả nhóm đã cùng nhau đi thu thập các mẫu nước tại sông, bến cảng, rãnh thoát nước và ống cống khắp 100 địa điểm ở Đài Loan. Hong Yichen kể rằng: “Ban đầu chúng tôi không có những thiết bị riêng. Chúng tôi chỉ đi thu thập nước ở những nơi ô nhiễm. Các loại rác thải hầu hết là nhựa như chai nhựa, ống hút… Màu sắc của các que kem là do chất thải công nghiệp và màu thuốc nhuộm”.
Hung và những người bạn trong nhóm của cô đã thu gom chất thải, sau đó họ đặt các mẫu chất thải này cùng với bụi, rác và những con bọ vào tủ đông và biến chúng thành kem que. Để giữ lâu hơn, những cây kem này được bọc một lớp nhựa polyester bên ngoài.
Tổng cộng nhóm của Hung đã làm ra 100 que kem. Họ đưa bộ sưu tập của mình vào trưng bày tại một bảo tàng nghệ thuật ở Đài Bắc. Thậm chí, Hung và nhóm của cô còn thiết kế bao bì cho những cây kem, đánh số và đặt tên theo mùi vị từ nguồn rác thải mà họ thu thập được.
(Ảnh: THEINSPIRATION)
Hung hy vọng rằng dự án này sẽ góp phần tăng cường nhận thức của cộng đồng về ô nhiễm nguồn nước. Nhóm của cô chọn kem que như một lời cảnh tỉnh bởi chúng trông rất hấp dẫn và bắt mắt. “Nhìn những que kem làm từ chất thải đẹp đẽ như vậy, liệu bạn có còn muốn ăn chúng”, Hung đặt câu hỏi.
Dự án Polluted Water Popsicles đã nhận được sự chú ý không chỉ ở Đài Loan mà cả thế giới. Đây là một ví dụ điển hình của việc thiết kế có thể thay đổi được cách nhận thức về các vấn đề môi trường.