Theo quyết định cưỡng chế được ban hành ngày 1/8 do ông Phạm Hồng Hà (Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) ký, việc cưỡng chế thu hồi đất là để giải phóng mặt bằng xây dựng khu hỗn hợp chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở kết hợp mua sắm.
Được biết, dự án trên do Công ty cổ phần đầu tư và khách sạn My Way Hạ Long làm chủ đầu tư.
Cưỡng chế nhà dân lấy đất làm dự án
Các hộ dân cho biết, đa số họ là công nhân ngành than về hưu. Nhà đang sống là nhà tập thể, do xí nghiệp than xây dựng từ những năm 1960 rồi phân cho công nhân ở ổn định từ đó đến nay.
Tháng 2/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh ra văn bản số 381/QĐ-UBND giao Công ty cổ phần đầu tư và khách sạn My Way Hạ Long (trụ sở tại tầng 2, khách sạn Starcity Suối Mơ, đường Hạ Long, phường Bãi Cháy) làm chủ đầu tư dự án xây dựng khu hỗn hợp chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở kết hợp mua sắm tại phường Bạch Đằng, TP.Hạ Long.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.318 tỷ đồng, triển khai làm 3 giai đoạn và dự kiến hoàn thành sau 2 năm.
Để có mặt bằng thực hiện dự án, UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trương di dời gần 200 hộ dân sống tại các tổ 90, 91, 92, 93, 95, 97 khu 6, phường Bạch Đằng, TP.Hạ Long. Trong số này, các hộ ở tổ 90 đã được cấp chứng nhận quyền sở hữu nhà, các cá nhân ở những tổ còn lại là người thuê nhà thuộc ở hữu nhà nước.
Trước chủ trương phá dỡ nhà cũ, xây dựng thành khu hỗn hợp chung cư, văn phòng và nhà ở kết hợp mua sắm, đa số hộ dân tỏ ra phấn khởi, vui mừng. Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài mãi. Khi sự hân hoan vừa mới được nhen lên thì cũng là lúc người dân nhận ra những bất cập trong phương án đền bù, hỗ trợ và tái định cư.
Đáng nói, khi những nội dung thắc mắc được người dân nêu ra còn chưa được cơ quan chức năng giải đáp thoả đáng, thì ngày 1/8, họ nhận được quyết định cưỡng chế và chiều 5/8, hơn 100 hộ dân với gần nghìn nhân khẩu bị cắt điện, cắt nước.
Ám ảnh vô gia cư
Quá bức bối, các hộ dân đã cùng ký đơn kiến nghị gửi tới các cấp có thẩm quyền và cơ quan báo chí, những mong “lời khẩn cầu tha thiết” của mình được nghe thấu.
Gia đình bà Nguyễn Thị Dung (70 tuổi, nhà 461 đường Lê Thánh Tông) ở căn nhà diện tích trên dưới 20m2 đã gần 40 năm. Bà Dung cho biết, sở dĩ có căn nhà này là vì chồng bà, ông Nguyễn Lợi Thành, trước làm công nhân xí nghiệp tuyển than Hòn Gai. Căn nhà cũ kỹ, tường bong tróc từng mảng vữa song bà Dung nói, ba thế hệ đã sinh ra, sống và trưởng thành tại đây.
“Các con tôi giờ đây cũng nối nghiệp bố", bà Dung nói. Đang là cuối tuần, trước đây theo bà Dung khi chưa xảy ra thu hồi, cưỡng chế, căn nhà luôn ngập tiếng cười đùa của những đưa cháu. “Hai ngày nay mất điện, nên bố mẹ nó phải đưa đi tránh nóng”, bà Dung phân bua. Trong căn phòng nhỏ, cũng là cửa hàng bán thiết bị vệ sinh, bà già ở tuổi “thất thập cổ lai hy” mệt mỏi dùng tay phẩy phẩy cái quạt giấy cố tránh cái nóng gần 40 độ.
“Cả gia đình tôi sống ra sao khi chưa bố trí được nơi ở mới? Điện nước bị cắt rồi, tối nay không biết ở đâu đây", bà Dung lo lắng.
Ông Nguyễn Xuân Hùng (65 tuổi, tổ trưởng tổ 91 khu 6) chìa tờ giấy thống kê số hộ dân chưa tìm được nơi ở mới cho chúng tôi xem. Tờ giấy chi chít những cái tên. Ông Hùng kể, đang phải gấp rút đi hỏi xem hộ dân nào chưa có chỗ ở, tình thế gấp rút lắm rồi. “Điện mất, nước mất, bà con ra khỏi đây thì ở đâu?', ông Hùng băn khoăn.
Cũng theo ông Hùng, trong số gần 200 hộ dân thuộc diện bắt buộc di dời, có hai hộ đã tự nguyện chuyển đi. “Cũng chẳng giấu gì, hai hộ đồng ý chuyển đi thì một hộ có người làm ở công ty My Way, một hộ có người làm ở trung tâm phát triể quỹ đất thành phố", ông Hùng chia sẻ.
Lời khẩn cầu tha thiết
“Chúng tôi, những người dân ở đây có ai muốn làm khó dễ gì đâu", bà Bùi Thị Hiền (58 tuổi), người từng có gần 30 năm làm công nhân tuyển than nay đã về hưu, cho biết. Hiện, bà Hiền sống bằng khoản lương hưu gần 3 triệu đồng và làm các công việc lặt vặt khác.
Trong căn phòng 12m2, bà Hiền sống cùng chồng và một đứa con trai 17 tuổi. Không có giường, hai cái phản kê sát nền, những bộ quần áo cũ vứt ngổn ngang, chiếc quạt cũ phủ bụi, chồng mâm bát để chỏng chơ, một cái màn căng ngang là tất cả những gì chúng tôi thấy. Chồng bà Hiền, ông Hoàng Văn Cường (57 tuổi) là người tàn tật và mất nhận thức do tai biến.
“Chúng tôi chỉ cần một khoản hỗ trợ đủ để có nơi chui ra chui vào", bà Hiền nói như van nài.
Xem video: Cưỡng chế nhà 8B Lê Trực
“Chúng tôi mong chính quyền các cấp hãy quan tâm, giúp đỡ chúng tôi có nơi ở", ông Nguyễn Xuân Hùng nói.
Không chỉ riêng ông Hùng, bà Dung, bà Hiền mà đó cũng là điều hàng trăm người dân khác ở Hạ Long thuộc diện bị giải toả đang đau đáu trông chờ.
Theo những người dân thì họ không thể tìm được nơi ở mới với sự hỗ trợ “bèo bọt” và họ buộc phải lên tiếng kêu cứu nếu chính quyền không đối thoại trực tiếp về vấn đề bồi thường, hỗ trợ.
Thiết nghĩ, các cấp chính quyền TP.Hạ Long cũng như tỉnh Quảng Ninh cùng các cơ quan chức năng cần sớm xử lý dứt điểm vụ việc theo hướng hài hoà lợi ích doanh nghiệp và người dân.
Liên quan đến vụ việc, chiều 8/8, trả lời PV VTC News, ông Phạm Hồng Hà (Chủ tịch UBND TP.Hạ Long) cho biết đã nắm được thông tin, song hiện đang bận họp nên sẽ cung cấp thông tin cho báo chí sau.
Báo điện tử VTC News tiếp tục thông tin!