Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quảng Nam tiếp tục 'gỡ vướng' cho dự án khu nghỉ dưỡng 4 tỷ USD

(VTC News) -

Lãnh đạo Quảng Nam tiếp tục đưa ra hàng loạt chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại ở Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An - dự án có tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.

Mới đây, ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì cuộc họp nghe báo cáo kết quả thực hiện các hồ sơ pháp lý liên quan và xây dựng, thẩm định, trình phê duyệt phương án giá đất cụ thể các khu tái định cư (TĐC) đầu tư theo Luật Nhà ở phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An.

Một khu thuộc dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An.

Theo ông Quang, do công tác bồi thường, hỗ trợ TĐC dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (thuộc địa phận 2 xã Duy Hải, Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên và xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) kéo dài qua nhiều năm nên cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ TĐC thay đổi. Từ đó, nhiều tồn tại, vướng mắc phát sinh nên đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án.

Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu các ngành, địa phương, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kỳ Hà - Chu Lai Quảng Nam (viết tắt Công ty Kỳ Hà Chu Lai, đơn vị thực hiện công tác GPMB dự án) cần tập trung quyết liệt xử lý hoặc tham mưu cấp thẩm quyền kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hồ sơ pháp lý, triển khai bố trí TĐC và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân di dời do bị ảnh hưởng dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, TĐC dự án, ông Nguyễn Hồng Quang chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với Sở Xây dựng hướng dẫn Công ty Kỳ Hà Chu Lai hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu tái định cư Duy Hải (giai đoạn 2) và khu tái định cư Duy Hải (giai đoạn 3).

Nhiều khu dân cư thuộc quy hoạch của dự án nhưng chưa được giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chủ trì cùng với các đơn vị liên quan theo dõi hồ sơ pháp lý đầu tư dự án, hướng dẫn Công ty Kỳ Hà Chu Lai cung cấp các hồ sơ, pháp lý liên quan để xây dựng phương án giá đất cụ thể.

Đối với nội dung tồn tại, vướng mắc do UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân TĐC, ông Quang yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng với UBND huyện Duy Xuyên, Cục Thuế tỉnh, Công ty Kỳ Hà Chu Lai rà soát,báo cáo cụ thể nội dung, số liệu, tình hình bố trí TĐC của các hộ dân, nghĩa vụ tài chính.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang yêu cầu Công ty Kỳ Hà Chu Lai chịu trách nhiệm xác định chi phí GPMB và phương án quản lý, sử dụng đất ngoài vạch đảm bảo không để tái lấn chiếm, có chủ quản lý.

Ngoài ra, Công ty Kỳ Hà Chu Lai phải phối hợp với Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (chủ đầu tư dự án) khẩn trương thực hiện chi trả tiền bồi thường, GPMB, hỗ trợ TĐC theo các phương án đã được duyệt, đảm bảo thời hạn theo thống nhất với người dân.

Như VTC News phản ánh, chủ đầu tư của dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 4 tỷ USD là Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An. Công ty Kỳ Hà Chu Lai là đơn vị thực hiện công tác GPMB dự án. Ngoài ra, đơn vị này cũng thay mặt cho Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng 5 khu TĐC và khu nghĩa trang vùng Đông 2 huyện Duy Xuyên, Thăng Bình để tạo quỹ đất TĐC phục vụ GPMB dự án.

Nhiều hộ dân sống trong nỗi thấp thỏm, âu lo vì nhà cửa xuống cấp trầm trọng nhưng không thể sửa sang, xây mới.

Tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích đã thực hiện xong công tác bồi thường GPMB là 481,64ha. Diện tích đất bàn giao cho nhà đầu tư: 389,74ha. Diện tích đã bồi thường GPMB nhưng chưa bàn giao: 91,90ha.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2021, công tác bồi thường GPMB Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An và đầu tư xây dựng các khu TĐC phải tạm dừng bởi nhà đầu tư không bố trí vốn để chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân của các phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC đã được UBND các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên phê duyệt trong năm 2020. 

Chính vì sự chậm trễ trong việc triển khai khu TĐC nên 6 năm qua, nhiều hộ dân vẫn "giậm chân tại chỗ" ở khu đất thuộc diện quy hoạch. Hằng ngày, họ sống trong nỗi thấp thỏm, âu lo vì nhà cửa xuống cấp trầm trọng nhưng không thể sửa sang, xây mới.

THANH BA

Tin mới