Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Quảng Nam quyết liệt trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết: Qua 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 1.479.307 người tham gia BHXH, BHYT, trong đó có 1.458.532 người tham gia BHYT, đạt 98,91% kế hoạch được BHXH Việt Nam giao và tăng 6.482 người so với cuối năm 2021 (tỷ lệ bao phủ BHYT đạt khoảng 95,99% dân số). Toàn tỉnh thu được hơn 3,3 nghìn tỷ đồng, đạt 68,9% kế hoạch; đã in và cấp 26.413 sổ BHXH. Việc xác nhận thời gian công tác, chốt sổ BHXH để giải quyết chế độ, chuyển công tác, bảo lưu thời gian công tác... của NLĐ luôn được kịp thời. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng đã thực hiện chi trả các chế độ với số tiền hơn 2.266 tỷ đồng; chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 9.553 trường hợp.
Tổng chi phí KCB BHYT trong 9 tháng là hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm 71,13% dự toán của Thủ tướng Chính phủ giao. Đến nay, BHXH tỉnh đã ký hợp đồng KCB BHYT với 57 cơ sở KCB trên địa bàn. Công tác giám định, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT đảm bảo kịp thời; thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở KCB thực hiện việc kết nối và đưa dữ liệu KCB BHYT lên Cổng thông tin giám định BHYT theo đúng quy định, tỷ lệ gửi dữ liệu đúng hạn đạt 88,9%.
Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được BHXH tỉnh đẩy mạnh. Trong 9 tháng đã kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT tại 4 cơ sở KCB với số tiền thu hồi do chi không đúng quy định là 737,4 triệu đồng. Thực hiện 2 cuộc thanh tra chuyên ngành đột xuất tại 33 đơn vị SDLĐ; thực hiện 9 cuộc thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT tại 145 đơn vị SDLĐ, 1 cuộc thanh tra liên ngành tại 5 đơn vị với số nợ đã truy thu hơn 24 tỷ đồng/27,6 tỷ đồng phải thu…
Tuy nhiên, tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT vẫn còn khá phổ biến. Tổng số tiền nợ BHXH là hơn 229 tỷ đồng, chiếm 4,74% trên tổng số phải thu, tăng hơn 18 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, thời gian gần đây, NLĐ đề nghị hưởng BHXH một lần tăng cao, trong đó đa số NLĐ ngừng đóng BHXH sau một năm nghỉ việc hoặc không tham gia đóng BHXH tự nguyện. Người tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp có tăng so với những năm trước, nhưng vẫn còn thấp so với Quyết định số 3567/QĐ-UBND ngày 9/12/2019 của UBND tỉnh.
Tại Hội nghị này, các đại biểu đã tập trung tham gia góp ý, đề xuất các kiến nghị, giải pháp như: Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho BHXH cấp huyện...
Thông tin thêm tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Danh- Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam đã điểm lại những nỗ lực và kết quả mà cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Nam, trong đó có BHXH tỉnh đã đạt được trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Đồng thời, ông Danh cũng nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Kết luận Hội nghị ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu BHXH tỉnh căn cứ dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp, rà soát, kiểm tra và gửi văn bản, làm việc trực tiếp với đơn vị SDLĐ để yêu cầu tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ theo quy định. Đối với đơn vị không chấp hành đóng BHXH, BHYT cho NLĐ, Giám đốc BHXH tỉnh ban hành quyết định thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT đột xuất hoặc phối hợp với các ngành liên quan (LĐ-TB&XH, Thuế…) thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành để vào cuộc xử lý nghiêm; tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT...
Đáng chú ý, Sở Y tế cần tăng cường chất lượng KCB tuyến dưới; điều chỉnh phân luồng, chuyển tuyến KCB BHYT phù hợp; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực; triển khai các dịch vụ kỹ thuật cao cho BV tuyến tỉnh, hạn chế tối đa bệnh nhân đa tuyến đi ngoại tỉnh để vừa đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, vừa sử dụng tốt nguồn kinh phí KCB BHYT được giao. Đặc biệt, quan tâm chấn chỉnh công tác KCB BHYT, khắc phục trình trạng thu gom bệnh nhân, chỉ định sử dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng, chỉ định nội trú quá mức cần thiết, kéo dài ngày điều trị… làm gia tăng chi phí KCB BHYT; chỉ đạo các cơ sở KCB nâng cao trách nhiệm trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí KCB BHYT đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả và tăng cường công tác thanh tra chuyên đề về KCB BHYT…
Ngoài ra, ông Trần Anh Tuấn cũng có những chỉ đạo cụ thể đối với một số sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, cần đưa chỉ tiêu BHXH, BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương hằng năm; đánh giá thi đua và mức độ hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT đối với UBND cấp xã và các ban ngành, đoàn thể tại địa phương.