"Ngốn" gần 1.500 hecta đất rừng
Theo Sở NN-PTNT Quảng Nam, tổng diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tính đến ngày 20/12/2020 trên địa bàn tỉnh là 2.148,98 hecta. Trong đó, diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng sang xây dựng công trình thủy điện là 1.446,51 hecta.
46 dự án thủy điện “ngốn” gần 1.500 hecta đất rừng ở Quảng Nam.
Trả lời PV VTC News, ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam cho hay, từ năm 2006, chính quyền địa phương bắt đầu có chủ trương trồng rừng thay thế. Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích trồng rừng thay thế đối với các công trình thủy điện là 1.604,84 hecta.
Theo thống kê của Sở Công thương Quảng Nam, quy hoạch thủy điện tỉnh gồm 46 dự án đã được phê duyệt (từ năm 2007). Đến nay, 22 dự án thủy điện đã đưa vào vận hành, 8 dự án đang thi công xây dựng, 16 dự án đang trong giai đoạn đầu tư. Cụ thể, 10 thủy điện thuộc quy hoạch bậc thang với tổng công suất 1.205 MW, điện lượng bình quân 4.349,86 triệu kWh/năm; 36 thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 611,96 MW, điện lượng bình quân 2.175,09 triệu kWh/năm.
Được biết, hiện 9/10 thủy điện thuộc quy hoạch bậc thang đã được đưa vào vận hành, riêng thủy điện Đăk Mi 2 (huyện Phước Sơn) đang xây dựng với tổng mức đầu tư 4,3 nghìn tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2021.
Riêng tại huyện Nam Trà My - nơi xảy ra 2 trận sạt lở núi vào chiều 28/10 khiến 30 người chết và mất tích, ngoài thủy điện Trà Linh 3 đã phát điện thương mại thì địa phương này còn có 3 dự án thủy điện đang xây dựng gồm: Nước Biêu, Đăk Di 1, Đăk Di 2; 7 dự án đang làm thủ tục đầu tư gồm: Đăk Di 4, Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah 1, Nước Lah 2, Trà Leng 1, Trà Leng 2.
Không phát triển thêm thủy điện nào nữa
Đó là khẳng định của ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại buổi họp báo thông tin về định hướng phát triển tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Nhiều thủy điện đang được thi công.
Theo ông Thanh, Quảng Nam là một trong những địa phương có nhiều thủy điện. Quá trình lập thủy điện đã có đánh giá tác động môi trường chiến lược. Những thủy điện có ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, sạt lở do quá trình mở các đường công vụ, ảnh hưởng hạ lưu và hệ thủy sinh thì sẽ được từng bước phục hồi lại cây sinh thái sau đập thủy điện.
"Tỉnh đã yêu cầu các thuỷ điện lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ dọc theo vùng hạ du của thủy điện để thực hiện việc cảnh báo kịp thời cho người dân. Lắp đặt các hệ thống camera trên lòng hồ thủy điện, hệ thống đo mưa để đo lượng nước về hồ, căn cứ vào đó truyền camera trực tiếp về Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh. Chủ trương của tỉnh là không phát triển thêm thủy điện nào nữa", ông Thanh cho hay.
Ngày 20/11 vừa qua, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký quyết định cho Công ty Cổ phần Tư vấn và Phát triển điện Cửu Long thuê đất để xây dựng Nhà máy thủy điện Đắk Di 2.
Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định cho doanh nghiệp trên thuê 31.524,2 m2 đất gồm 10.609,8 m2 tại xã Trà Don và 20.914,4 m2 tại xã Trà Nam để đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Đắk Di 2.
Trong đó, diện tích hạng mục xây dựng nhà máy: 2.770,4m2; diện tích hạng mục xây dựng đập, lòng hồ: 20.914,4m2; diện tích hạng mục thi công đường công vụ và tháp điều áp: 7.839,4m2.
Vị trí, ranh giới khu đất được xác định theo bản đồ tổng thể công trình Nhà máy thủy điện Đăk Di 2 tại xã Trà Don và Trà Nam, huyện Nam Trà My, do Công ty Cổ phần An Bình Dương xác lập tháng 1/2019 được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam xác nhận ngày 12/4/2019.
Hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, thời hạn thuê đất đến 28/8/2059.
Quyết định trên ngay lập tức vấp phải sự phản ứng của dư luận khi huyện Nam Trà My trở thành "điểm nóng" về sạt lở trong thời gian gần đây. Đơn cử như vụ sạt lở núi xảy ra tại nóc Ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng vào cuối tháng 10 vừa qua khiến 15 ngôi nhà bị vùi lấp, 22 người chết và mất tích.
Một tuần sau, ông Bửu ký quyết định thu hồi quyết định trên. Lý do của việc thu hồi quyết định là để thực hiện rà soát, kiểm tra, đánh giá các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.