Liên quan việc xác tàu gỗ "lộ thiên" ở khu vực bờ biển Hội An, mới đây, Sở VH-TT&DL Quảng Nam đề nghị UBND TP Hội An chỉ đạo đơn vị được giao chủ trì thực hiện phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện giai đoạn 1 của phương án khai quật địa điểm phát hiện cổ vật.
Giai đoạn 1 sẽ điều tra khảo cổ học khu vực phát hiện cổ vật, giám định mẫu vật. Sau khi xác định loại hình, niên đại, giá trị lịch sử, khoa học và các yếu tố liên quan, tùy theo kết quả khảo sát và giám định mẫu sẽ xem xét chuyển sang thực hiện giai đoạn 2.
Giai đoạn 2 sẽ khai quật khảo cổ kết hợp bảo tồn xác tàu gỗ. Phương pháp khai quật là sử dụng cừ Larsen ngăn nước và tiến hành khai quật như trên cạn.
Xác tàu gỗ "lộ thiên" ở bờ biển Hội An.
Trước đó, cuối tháng 12/2023, nhiều người dân hiếu kỳ tập trung tại khu vực bờ biển thuộc khối Tân Thành, phường Cẩm An, TP Hội An để "mục sở thị" xác tàu nghi là tàu cổ.
Ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm An cho biết, bà con địa phương phát hiện xác tàu gỗ "lộ thiên" ở khu vực bờ biển ngay sau trụ sở UBND phường.
Ước chừng, tàu dài khoảng 15 m, rộng khoảng 3 m. Phần khung gỗ ôm quanh thân nổi lên mặt cát tạo hình bao quanh thân tàu, trông giống kiểu tàu cổ.
Ngư dân địa phương cho rằng, xác tàu này có thể là ghe bầu của dân buôn, loại phương tiện di chuyển thuyền buồm được làm từ gỗ mun đen quý hiếm và có sức chịu bền cao.
Vị trí xác tàu "lộ thiên" trước đây là đất vườn của người dân. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở, xâm thực nhiều năm đã ăn sâu vào đất liền nên người dân phải di dời đến chỗ khác. Bão lụt, sóng biển đánh vào, đất cát bị trôi ra biển nên xác tàu mới trồi lên.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An, xác tàu gỗ được phát hiện có thể là ghe bầu bị chìm. Ghe bầu là phương tiện thời xưa được dân buôn ở Hội An dùng để chở gạo, cá, các nhu yếu phẩm khác đi bán khắp nơi. Loại ghe này có tuổi đời cũng hơn 100 năm.