Apple xin lỗi chính thức vì quảng cáo iPad Pro mới nhất của hãng bị phản đối rộng rãi trên mạng. Trong một tuyên bố mà ấn phẩm ngành quảng cáo Ad Age thu được, Tor Myhren, phó chủ tịch tiếp thị của Apple, cho biết thông điệp của quảng cáo đã thất bại.
Ông Myhren nói: “Sự sáng tạo nằm trong DNA của chúng tôi tại Apple và điều cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi là thiết kế các sản phẩm hỗ trợ các nhà sáng tạo trên toàn thế giới. Mục tiêu của chúng tôi là luôn tôn vinh vô số cách người dùng thể hiện bản thân và biến ý tưởng của họ thành hiện thực thông qua iPad. Chúng tôi đã mắc sai lầm với video này và chúng tôi xin lỗi".
Video: Quảng cáo Crush! của Apple.
Apple không trả lời yêu cầu bình luận và CNBC đã xác nhận tuyên bố trên là thật. Theo Ad Age, Apple sẽ không chạy quảng cáo đó trên TV, nhưng vẫn sẽ tồn tại trên YouTube.
Trong quảng cáo trên, Apple cho thấy hình ảnh một chiếc máy ép công nghiệp khổng lồ đè bẹp vô số công cụ sáng tạo, từ kèn, piano, máy ảnh, lon sơn, máy chơi game,v.v. trong khi bài “All I Ever Need Is You” (tam dịch: "Tôi chỉ cần bạn thôi) của Sonny & Cher phát trong nền. Sau khi ép xong, thứ duy nhất còn lại khi máy ép được mở ra là chiếc iPad - "tấm kính ma thuật" với độ dày chỉ khoảng hơn 5 mm.
Quảng cáo được đăng trên X bởi CEO Apple Tim Cook với chú thích: "Chỉ cần tưởng tượng tất cả những thứ nó sẽ được sử dụng để tạo ra".
Thông điệp mà Apple muốn gửi gắm rất rõ ràng: iPad Pro là kết tinh của hàng trăm thiết bị sáng tạo, trong một vỏ bọc siêu mỏng, siêu tinh gọn. Tuy nhiên, vấn đề là cách thức hãng thể hiện ra thông điệp này.
Những lời chỉ trích về quảng cáo trên đến từ cả mạng xã hội lẫn nhiều tờ báo danh tiếng, với ý kiến rằng quảng cáo trên cho thấy công nghệ đang trở thành một lực lượng phá hủy tính con người trong nỗ lực sáng tạo và thiếu tôn trọng với các công cụ nghệ thuật được các nghệ sĩ trân quý. Điều này càng gây khó chịu vào thời điểm nhạy cảm khi mà AI trỗi dậy, đe dọa vị thế của các nhà sáng tạo nội dung số.
Hình ảnh những công cụ sáng tạo được trân quý của giới nghệ thuật bị đè nát khiến quảng cáo này trở nên phản cảm với nhiều người.
New York Times còn so sánh quảng cáo này một cách bất tương xứng với một quảng cáo nổi tiếng khác của Apple: Quảng cáo đầu tiên cho máy tính Macintosh đầu tiên. Do Ridley Scott đạo diễn, đoạn phim có tên "1984", miêu tả Apple đang cứu thế giới khỏi cơn ác mộng cơ giới hóa.
Christopher Slevin, giám đốc sáng tạo của công ty tiếp thị Inkling Culture, cũng đồng tình với nhận định trên trên LinkedIn.
Ông Myhren và Media Arts Lab đã không trả lời yêu cầu bình luận về người đứng sau quảng cáo “Crush”.
Michael J. Miraflor, giám đốc thương hiệu của Hannah Grey, một công ty đầu tư mạo hiểm, cho biết trên X rằng quảng cáo của Apple đã xúc phạm và loại bỏ nhóm khách hàng cốt lõi của họ, đạt được kết quả trái ngược với những gì họ đã làm với quảng cáo “1984”. Ông Miraflor viết: “Nó thậm chí không hề nhàm chán hay tầm thường. Nó khiến tôi cảm thấy…tồi tệ? Khó chịu ấy".