Ngày 19/10, Văn phòng Tỉnh uỷ Quảng Bình cho biết, Thường trực Tỉnh uỷ vừa hội ý và thống nhất tạm hoãn Đại hội Đảng bộ tỉnh, dự kiến diễn ra từ 21-23/10. Thời gian tổ chức đại hội sẽ được thông báo sau.
Trước tình hình mưa lũ, hiện các địa phương, các lực lượng chức năng từ tỉnh đến các thôn, bản cùng người dân Quảng Bình đang tập trung cao độ cho công tác cứu hộ, cứu nạn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân vùng lũ.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, tính đến 21h ngày 18/10, lũ lịch sử khiến 57.057 nhà dân bị ngập lụt; 213 thôn, bản bị cô lập, chia cắt.
Lực lượng chức năng đang di dời hàng nghìn người dân ra khỏi vùng ngập nặng, đến nơi tránh trú an toàn.
Mưa lũ ở Quảng Bình đang diễn biến rất phức tạp.
Theo thống kê bước đầu, tại huyện Lệ Thủy, mực nước sông Kiến Giang dâng cao hơn trận lũ lịch sử năm 1979 là 59cm đã làm ngập lụt hơn 30.000 nhà dân tại địa phương này. Tập trung tại các xã: Xuân Thủy, Lộc Thủy, Mỹ Thủy, thị trấn Kiến Giang…. một số nơi bị ngập từ 0,5 - 2,5m.
Tại xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy trong chiều 18/10 xảy ra vụ tai nạn thương tâm trong lũ, 2 người dân địa phương này bị lật đò trong lúc chạy lũ, thiệt mạng.
Huyện Quảng Ninh là địa phương bị ngập nặng thứ 2 khi có tới 13.067 nhà dân bị ngập, tập trung chủ yếu ở các xã Tân Ninh, Hàm Ninh, Xuân Ninh và các xã ven sông Long Đại...
Nước sông Gianh đang trên mức báo động 3 làm gần 5.000 nhà dân ở khu vực hạ lưu bị ngập lụt nặng nề, tập trung ở 9 xã ở vùng nam thị xã Ba Đồn, như: Quảng Hải, Quảng Lộc, Quảng Văn, Quảng Trung….
Trong khi đó, các địa phương khác như: huyện Bố Trạch có hơn 3.000 nhà; huyện Tuyên Hóa có 615 nhà, huyện Minh Hóa gần 1.000 nhà dân, huyện Quảng Trạch hơn 2.000 nhà dân ở các xã ven sông Gianh (xã Quảng Trường, Phù Hóa, Cảnh Hóa) bị ngập.