Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quận trung tâm ở Hà Nội phạt gần 300 trường hợp lấn chiếm vỉa hè

(VTC News) -

Từ đầu năm đến nay, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xử phạt 262 trường hợp kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, với số tiền phạt 319 triệu đồng.

Mới đây, Báo điện tử VTC Newsloạt bài phản ánh việc các lực lượng chức năng của TP Hà Nội nhiều lần ra quân giành lại vỉa hè, lập lại trật tự đô thị, thế nhưng chỉ sau thời gian ngắn, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè lại tại diễn tại một số tuyến phố.

Nhiều hộ kinh doanh trên phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè làm của riêng.

Trong văn bản trả lời VTC News, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết đã chỉ đạo công an các phường huy động các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với lực lượng công an tổ chức truyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về trật tự giao thông, trật tự đô thị, xây dựng cơ chế duy trì không để tái diễn.

Công an quận Hoàn Kiếm đã triển khai lực lượng phối hợp với các đơn vị liên quan tăng trường tuần tra kiểm soát, xử lý kịp thời các vi phạm trật tự giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Từ ngày 1/1 đến nay, Công an quận Hoàn Kiếm đã xử lý 432 trường hợp với số tiền phạt 386 triệu đồng. Trong đó, phạt 262 trường hợp các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường với số tiền phạt 319 triệu đồng; phạt 91 trường hợp đỗ xe sai quy định, 75 trường hợp xích lô vi phạm, với tiền phạt 60 triệu đồng; 4 trường hợp gây mất an toàn vệ sinh môi trường bị phạt tổng số tiền 6 triệu đồng.

Liên quan đến phản ánh của VTC News về tình trạng nhiều hàng quán đua nhau lấn chiếm vỉa hè mặc sự nhắc nhở của lực lượng chức năng, ngày 5/4, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng gửi văn bản trả lời. Theo Công an quận Cầu Giấy, trên tuyến phố Khúc Thừa Dụ, lực lượng Cảnh sát trật tự thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở cho ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh và xử phạt nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm.

Còn đối với khu vực Công viên Cầu Giấy, các phương tiện ô tô đỗ trên hè phố khu vực xung quanh Công viên Cầu Giấy, vẫn để chừa lại chiều rộng khoảng 3 m cho người đi bộ. 

Từ 22/2/đến 20/3, Công an quận Cầu Giấy đã xử lý tổng số 28 trường hợp vi phạm các lỗi về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị. 

Vỉa hè Thủ đô bị chiếm dụng, đẩy người đi bộ xuống lòng đường

Theo ghi nhận của PV VTC News, sau 1 tháng triển khai chiến dịch giành lại vỉa hè, nhiều tuyến phố của Hà Nội đã được trả lại không gian thông thoáng cho người đi bộ, bộ mặt đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Ngày 31/3, tại hội nghị giao ban quý I/2023 giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu, liên quan đến chuyện lòng đường, vỉa hè, phải tính toán các giải pháp căn cơ.

“Lòng đường, vỉa hè thực tế là gắn với sinh kế của người dân, phần nào đó là kinh tế đô thị. Cho nên, nguyên nhân sâu xa và lớn nhất của những khó khăn, bất cập hiện nay là thiếu quy hoạch. Từ thiếu quy hoạch dẫn đến thiếu công khai, minh bạch... nên tôi đề nghị phải suy nghĩ các giải pháp căn cơ, bài bản, không làm theo kiểu “bắt cóc, bỏ đĩa”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ.

Ông Đinh Tiến Dũng chỉ đạo, giải pháp đầu tiên phải thực hiện ngay là lập quy hoạch thiết kế đô thị để quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể như khu phố cổ, phố cũ và mới.

Ông Dũng cũng đề nghị nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý của các nước phát triển như cho phép kinh doanh vỉa hè (có thể tính cả giải pháp cho thuê, thu phí theo giờ...), bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường tại những nơi phù hợp...

Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng cần công bố quy hoạch lấy ý kiến người dân. Sau khi có quy hoạch, có sự đồng thuận của nhân dân thì tiến hành “số hóa” để tổ chức thực hiện. Trước mắt, các đơn vị có thể thí điểm làm trước một số khu vực ngay trong năm nay. 

Ngô Nhung

Tin mới