Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quân sự thế giới 2023: J20 Trung Quốc tăng vọt, vũ khí phương Tây mất 'uy'

(VTC News) -

Cùng nhìn lại những sự kiện quân sự có tác động lớn đến bối cảnh toàn cầu trong năm qua, đã được các chuyên gia của tạp chí Military Watch thống kê cụ thể.

Ukraine phản công thất bại

Tháng 6/2023, Lực lượng vũ trang Ukraine phát động cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các vị trí do Nga kiểm soát. Các nước đồng minh phương Tây đã đặt rất nhiều hy vọng vào cuộc phản công này và hi vọng Ukraine có thể giành lại Bán đảo Crimea. Tuy nhiên phía Ukraine không giành được nhiều kết quả và chịu thương vong lớn.

Xe tăng Leopard của Ukraine bị phá hủy. Ảnh Forbes.

Những cảnh quay từ chiến trường cho thấy nhiều thiết bị hiện đại được các đơn vị tinh nhuệ nhất của Ukraine triển khai, chẳng hạn như xe tăng Leopard 2A6 của Đức và xe chiến đấu Bradley của Mỹ đã bị quân đội Nga phá hủy. Trong khi đó, nhiều nguồn tin của Nga, phương Tây và cả Ukraina đã báo cáo về tỷ lệ thương vong cực kỳ cao, lên tới 80-90% trong các đơn vị lính nghĩa vụ Ukraina. 

Với hàng chục tỷ USD được đầu tư nhưng không đạt được kết quả như mong muốntrên chiến trường khiến Ukraine rơi vào thế khó, họ ngày càng ít nhận được sự ủng hộ từ các đại biểu Quốc hội Mỹ cũng như các nhà lãnh đạo phương Tây.

Quân đội Israel tiến quân vào Gaza. Ảnh France 24.

Xung đột Israel - Hamas leo thang chưa từng thấy

Vào ngày 7/10, nhóm dân quân Hamas tại Dải Gaza đã phát động một cuộc tấn công lớn vào các vị trí của Israel, mở đầu một trong những đợt leo thang xung đột lớn nhất giữa hai bên trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Thời gian đầu chứng kiến ​​lực lượng thiết giáp của Israel chịu tổn thất lớn, nhiều kho vũ khí với hàng trăm phương tiện quân sự bị phía Hamas phá hủy. Israel đáp trả bằng một cuộc tấn công toàn diện vào Dải Gaza, trong khi đó Mỹ cũng có động thái nhanh chóng cấp đạn dược cho Israel và tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.

Một số nguồn tin của Mỹ trong những tuần chiến sự đầu tiên cho biết, lực lượng đặc biệt của Mỹ cũng tham gia vào các hoạt động ở Gaza và chịu tổn thất đáng kể trong trận chiến với lực lượng Hamas.

Một trong những tác động đáng kể nhất của cuộc xung đột giữa Israel và Hamas là chuyển hướng sự chú ý của phương Tây và cả nguồn cung cấp đạn dược khỏi chiến trường Ukraine.

Song song với các hoạt động quân sự ở Gaza, Lực lượng Phòng vệ Israel cũng có các cuộc giao tranh với lực lượng dân quân Hezbollah của Lebanon. Bản thân Israel cũng đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và sự chỉ trích quốc tế ngày càng gia tăng.

Chiến đấu cơ J-20 của Trung Quốc. Ảnh The Drive.

Số lượng J-20 Trung Quốc tăng vọt

Vào tháng 7/2023, nhiều nguồn tin ở cả Trung Quốc và phương Tây đã báo cáo rằng, Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô, nơi sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20 đã tăng ​​sản lượng lên khoảng 100 khung máy bay vào năm 2023 và dự kiến ​​sẽ tăng lên 120 chiếc vào năm 2025.  

J-20 là một trong hai máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm trên thế giới đang được sản xuất và trang bị ở cấp phi đội. Máy bay được trang bị động cơ WS-15 và đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 6/2023. 

Sự xuất hiện của J-20 làm cho cuộc chạy đua sản xuất chiến đấu cơ thế hệ thứ năm trở nên gay cấn, trong khi đó những chiếc F-35 của Mỹ vẫn còn gặp rất nhiều lỗi kỹ thuật. F-35 còn phải đối mặt với các vấn đề về nỗ lực tăng sản lượng sản xuất, và thiếu hụt nghiêm trọng công nhân lành nghề.

Nội chiến tại Sudan. (Ảnh: Crisis Group)

Nội chiến ở Sudan

Vào ngày 15/4/2023, xung đột đã nổ ra giữa Lực lượng vũ trang Sudan và lực lượng dân quân của Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF), trước đây gọi là Janjaweed. Cả quân đội Sudan và RSF đều đóng vai trò trung tâm trong việc điều hành đất nước kể từ sau khi diễn ra cuộc đảo chính quân sự vào tháng 4/2019.

Là một trong những quốc gia giàu tài nguyên nhất ở Châu Phi, Sudan trước đây là đối tác chiến lược thân thiết của Trung Quốc, nhưng trong nhiều thập kỷ đã chứng kiến ​​nguồn tài nguyên bị cạn kiệt do xung đột, đặc biệt là ở các khu vực phía nam và phía tây của đất nước.

Những tuần giao tranh đầu tiên từ giữa tháng 4 đã chứng kiến ​​các đơn vị thiết giáp của quân đội Sudan chịu tổn thất lớn trước các cuộc tấn công của RSF. Tuy nhiên khi thủ lĩnh RSF Hamdan Dagalo chết, các nhóm dân quân rơi vào tình trạng hỗn loạn và gặp nhiều khó khăn.

Đến cuối năm 2023 quân đội Sudan đã kiểm soát phần lớn thủ đô và các khu vực phía bắc, trong khi đó RSF kiểm soát các khu vực Darfur phía tây Sudan, giáp nước láng giềng Chad.

Các phương tiện chiến đấu của Ukraine bị phá hủy. (Ảnh: Reuters)

Vũ khí phương Tây mất 'uy' ở Ukraine

Ngay từ giai đoạn đầu trong cuộc phản công của quân đội Ukraine đã chứng kiến ​​nhiều phương tiện thiết giáp hiện đại của phương Tây chịu tổn thất lớn. Nhiều video xuất hiện cho thấy xe tăng Leopard 2A4 và Leopard 2A6 bị phá hủy. Và vào tuần đầu tiên của tháng 9/2023 chiếc xe tăng Challenger 2 đầu tiên của Anh cũng được xác nhận là bị phá hủy.

Các tháng tiếp tục sau đó cũng ghi nhận nhiều phương tiện bọc thép của phương Tây bị thu giữ và phá hủy, bao gồm cả Leopard 2, xe tăng bánh lốp AMX-10RC và xe tăng Leopard 1 hiện đại hóa.

Trong khi đó, các xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ tới Ukraine từ tháng 9 chỉ được triển khai ở các khu vực cách xa tiền tuyến, để tránh thiệt hại cũng như làm mất “danh tiếng” của chiếc xe tăng hiện đại này. 

Loại xe bị tổn thất nặng nề nhất trên chiến trường là xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ, có nhiều cảnh quay cho thấy hàng đoàn xe Bradley bị phá hủy. Đến đầu tháng 9, 80 chiếc Bradley được cho là đã mất tích trong chiến đấu, trong đó các nguồn tin phương Tây thừa nhận có hơn 50 chiếc.

Những vũ khí nói trên từng được “quảng cáo” rầm rộ ở phương Tây và được coi là yếu tố thay đổi tình thế, tuy nhiên sự thật trên chiến trường Ukraine cho thấy rằng những vũ khí này không hề có tác dụng trước phòng tuyến kiên cố của Nga.

Lê Hưng (Nguồn: Military Watch)

Tin mới