Video: Quá trình diễn ra nguyệt thực toàn phần
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam thông tin, tại Hà Nội, Mặt trăng mọc lúc 17h12, còn ở TP.HCM là 17h22, các tỉnh và thành phố khác dao động vài phút.
Thời điểm lý tưởng nhất để quan sát hiện tượng này ở Việt Nam là sau 17h40, khi Mặt trăng không còn quá thấp. Như vậy, bạn có thể theo dõi được thời điểm nguyệt thực cực đại cũng như toàn bộ nửa sau của nó. Riêng với những người quan sát sống ở khu vực ven bờ biển phía Đông, Mặt trăng mọc sớm hơn một chút và việc quan sát tới chân trời dễ dàng hơn nên có thể theo dõi nguyệt thực ngay từ thời điểm Mặt trăng bắt đầu mọc.
Các pha của nguyệt thực có thể quan sát tại Việt Nam.
Lịch trình của hiện tượng nguyệt thực theo giờ Việt Nam diễn ra hôm nay (nguồn Timeanddate.com):
- Nguyệt thực nửa tối bắt đầu: 15h02
- Nguyệt thực một phần bắt đầu: 16h09
- Nguyệt thực toàn phần bắt đầu: 17h16
- Nguyệt thực cực đại: 17h59
- Nguyệt thực toàn phần kết thúc: 18h41
- Nguyệt thực một phần kết thúc: 19h49
- Nguyệt thực nửa tối kết thúc: 20h56
Theo các chuyên gia thiên văn, nguyệt thực hoàn toàn vô hại đối với mắt nên người quan sát có thể nhìn trực tiếp vào nó. Bạn không cần phải có những dụng cụ chuyên dụng như kính thiên văn hay ống nhòm để quan sát hiện tượng này. Bạn cần để ý thời tiết, chọn nơi quan sát sao cho bạn có thể nhìn bầu trời phía Đông với góc nhìn càng rộng càng tốt, tránh việc bị ánh sáng nhân tạo (đèn đường, đèn của các tòa nhà) chiếu thẳng vào mắt từ phía trên.
Nguyệt thực không phải hiện tượng hiếm nhưng là sự kiện thiên văn thu hút sự chú ý của nhiều người.
Nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng nằm thẳng hàng (hoặc gần như thẳng hàng) với Trái Đất nằm giữa. Vào thời điểm này, Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối phía sau Trái Đất và chỉ nhận được một phần ánh sáng từ Mặt Trời so với khi nó không đi vào khu vực này. Vì lý do này, một phần hoặc toàn bộ Mặt Trăng sẽ tối hơn bình thường và có màu đỏ thẫm.