Hôm nay là ngày đầu tiên TP.HCM cho phép hàng quán được phục vụ ăn uống tại chỗ, trong đó yêu cầu không bán, không sử dụng đồ uống có cồn. Tuy nhiên, căn cứ vào mức độ kiểm soát dịch bệnh tại các địa bàn, TP cho phép quận 7 và TP Thủ Đức được thí điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán, sử dụng đồ uống có cồn.
Theo ghi nhận của VTC News tối 28/10, các quán ăn, nhà hàng ở TP Thủ Đức bắt đầu sáng đèn trở lại sau khoảng thời gian dài phải đóng cửa vì dịch bệnh.
Quán nhậu trên đường Nguyễn Thị Định, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức được bán và sử dụng đồ uống có cồn.
Ông Bùi Duy Bắc (52 tuổi, chủ quán nhậu trên đường Nguyễn Thị Định, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) cho biết, sau 5 tháng phải đóng cửa do lệnh giãn cách xã hội, quán của ông thiệt hại nặng nề: Tiền mặt bằng vẫn phải trả 40 triệu đồng/tháng, tiền lương hỗ trợ hàng tháng cho 4 nhân viên, rồi thêm các chi phí khác.
Theo ông Bắc, tuy là ngày đầu quán mở cửa nhưng lượng khách cũng khá đông. "Mặc dù không bằng trước dịch nhưng như thế cũng tạm ổn. Tôi chỉ mong tình hình sẽ trở lại như trước đây để còn yên tâm làm ăn", ông Bắc nói.
Trong khi đó, chủ một quán ăn trên đường Lương Định Của, phường An Phú, TP Thủ Đức không khỏi ngừng lo lắng. Theo ông, nhiều người dân vẫn rất sợ dịch bệnh nên còn ngại ra ngoài. Mặt khác, hiện nay, TP Thủ Đức chỉ thí điểm một số nơi được bán rượu bia nên khách cũng không không mặn mà.
Có lẽ vì e ngại những điều này nên khá nhiều quán vẫn đóng cửa hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.
Anh Bùi Đăng Nhật Minh (40 tuổi, chủ quán nhậu trên đường Nguyễn Thị Định, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) cho biết, hôm nay hai vợ chồng anh vẫn chỉ bán đồ ăn mang về.
Quán ăn của anh Minh hiện vẫn đóng cửa, chỉ mở một góc nhỏ để bán đồ ăn mang về.
Theo anh Minh, hiện nay nhân viên của quán vẫn đang ở quê nên không có người làm. Ngoài ra, tâm lý người dân còn e ngại ra quán nên anh vẫn đang xem xét thêm, trước khi bán tại chỗ trở lại. "Mấy tháng qua phải đóng cửa, vợ chồng tôi đã rất lao đao. Bây giờ, để hoạt động trở lại, việc tìm nhân viên rất khó vì nhiều người vẫn lo sợ TP.HCM đang là điểm dịch", anh Minh nói.
TP Thủ Đức hiện thí điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán, sử dụng đồ uống có cồn chỉ ở một số nơi được cho phép. Tuy nhiên, theo ghi nhận, rất nhiều quán không thuộc vùng cho phép vẫn cho khách được sử dụng rượu, bia. Trong ngày đầu, lực lượng chức năng của địa phương đã đi kiểm tra và xử phạt nhiều quán nhậu chưa tuân thủ theo quy định.
Chiều 27/10, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã ký công văn khẩn gửi Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan về hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Theo đó, TP cho phép các hàng quán kinh doanh ăn uống được phục vụ tại chỗ từ ngày 28/10.
UBND TP.HCM yêu cầu hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ phải đáp ứng các quy định theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP ban hành kèm quyết định 3677 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM.
Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm nên hoạt động của hàng quán phải được tổ chức đảm bảo an toàn, trừ nhà hàng tổ chức tiệc cưới, nhà hàng tại các cơ sở lưu trú, cơ sở tham quan phục vụ khách du lịch, đề xuất các hàng quán khác phải đóng cửa trước 21h hằng ngày và được phục vụ tối đa 50% công suất.
Mặt khác, hàng quán không bán, không sử dụng đồ uống có cồn.
Tuy nhiên, căn cứ vào mức độ kiểm soát dịch bệnh tại các địa bàn, cho phép quận 7 và TP Thủ Đức được thí điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán, sử dụng đồ uống có cồn. Thời gian thực hiện thí điểm hết ngày 15/11.
Sau thời gian thí điểm, chủ tịch UBND quận 7 và TP Thủ Đức đánh giá, rút kinh nghiệm để báo cáo, đề xuất UBND TP có cơ sở tiếp tục triển khai và nhân rộng tại các địa bàn khác.