Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng. Cuộc làm việc có sự tham dự của đông đảo đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ, trong đó có các tập đoàn lớn hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi ăn sáng làm việc với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Buổi làm việc diễn ra trong không khí chân thành, nồng ấm, với những tràng pháo tay liên tục từ các cử tọa khi lắng nghe phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ được hưởng những lợi ích lớn dưới chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Phạm Minh Chính kể từ khi ông nhậm chức. Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ coi Việt Nam là thị trường chiến lược ưu tiên, đóng góp vào tăng trưởng và thịnh vượng cho Việt Nam. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng ở vị trí tối ưu để giúp Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển hệ thống y tế…
"Hoa Kỳ hiểu rõ hai nước quan trọng như thế nào đối với nhau, với lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau. Cùng nhau, chúng ta có thể đưa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, ASEAN-Hoa Kỳ mang tính trung tâm trong khu vực châu Á, Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương". Lượng người đông đảo tham gia sự kiện hôm nay cho thấy sự quan tâm của phía doanh nghiệp Hoa Kỳ với Việt Nam.
Trưởng Cơ quan đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) Katherine Tai khẳng định, Việt Nam là một trong những đối tác lớn, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ rất đặc biệt. Hai bên đã hợp tác rất chặt chẽ trong nhiều thập kỷ để tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, kinh tế rất năng động.
Dành nhiều thời gian thông tin về sáng kiến Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bà Katherine Tai cho biết, một số trọng tâm của khuôn khổ này như thúc đẩy phát triển thị trường lao động, bảo vệ quyền lợi người lao động và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, hệ thống nông nghiệp bền vững, hệ thống chính sách thương mại tự do, bình đẳng, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số…
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn Chính phủ, người dân và các đối tác Hoa Kỳ đã ủng hộ Việt Nam trong phòng chống dịch, trong đó có ủng hộ về vaccine, Thủ tướng một lần nữa nhắc lại quan điểm đề cao hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương với nhiều vấn đề thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi ăn sáng làm việc với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Theo Thủ tướng, quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ trong lịch sử có những thăng trầm và đột phá, đây là điều bình thường trong quan hệ quốc tế, cũng như cuộc sống đời thường giữa các cá nhân. Ông cũng kể lại câu chuyện vui trong tiếp xúc với các đối tác Hoa Kỳ trong chuyến công tác lần này, so sánh quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ với các món ăn Việt Nam, có hương vị đa dạng như chua, cay, mặn, ngọt, nhưng tổng thể lại rất hấp dẫn.
Sau 27 năm bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2013, hợp tác hai bên tiếp tục đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, trong đó thương mại là một trụ cột với vai trò rất quan trọng của các doanh nghiệp.
Đến nay, đã có 4 vị Tổng thống Hoa Kỳ liên tiếp đến thăm Việt Nam và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân hai nước. Hai bên đã vượt qua được những khác biệt và đạt được những nguyên tắc nền tảng cho quan hệ hai nước, như đã được khẳng định trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ vào năm 2015, trong đó nhấn mạnh tôn trọng "thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau". Việt Nam đánh giá cao trong những năm qua Hoa Kỳ luôn ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng.
Về kinh tế, Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ. Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ năm 2000 là bệ phóng góp phần đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Thủ tướng khẳng định, "thời gian vừa qua đã khẳng định tính bổ trợ rất cao giữa hai nền kinh tế, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, chúng ta còn nhiều dư địa phát triển, nhiều việc phải làm để mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước".
Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức từ tác động của tình hình thế giới, Việt Nam đang tích cực triển khai chương trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội.
Thủ tướng thông báo tóm tắt về những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua; những chính sách lớn trong chương trình phục hồi và phát triển. Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam cũng có những bước tiến mạnh. Việt Nam đã đứng thứ 3 trong ASEAN về quy mô kinh tế số.
Bước sang năm 2022, Việt Nam thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về mở cửa nền kinh tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời hội nhập quốc tế tích cực, sâu rộng, hiệu quả. Nhấn mạnh tinh thần chân thành, tin cậy, trách nhiệm để đối thoại và làm việc, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Thủ tướng cho biết ông sẵn sàng đối thoại với bất kỳ ai trên thế giới về nền kinh tế Việt Nam, tình hình tại Việt Nam. Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng đã trực tiếp trao đổi, làm rõ một số thắc mắc, quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ về các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, lĩnh vực y tế, phòng chống dịch, cải thiện môi trường kinh doanh, an ninh mạng…
Chia sẻ về hai nguyên tắc lớn để giải quyết các vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh: "Đây là những vấn đề mang tính toàn cầu, nên phải có cách tiếp cận toàn cầu với sự đoàn kết, chung tay, đề cao chủ nghĩa đa phương để hợp tác giải quyết; đây cũng là những vấn toàn dân nên phải huy động sự tham gia của người dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực".
Về sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Thủ tướng cho biết những trụ cột của sáng kiến này cũng là những vấn đề quan trọng với Việt Nam, Hoa Kỳ và nhiều nước khác: "Những trụ cột của sáng kiến này cũng là những vấn đề quan trọng với Việt Nam, Hoa Kỳ và nhiều nước khác. Do đó, Việt Nam sẵn sàng cùng phía Hoa Kỳ và các đối tác trao đổi, phân tích để làm rõ nội hàm cụ thể của các trụ cột trong khuôn khổ này. Việt Nam sẵn sàng ủng hộ các hoạt động hợp tác phục vụ cho hòa bình, ổn định, phát triển, phồn vinh, thịnh vượng trong khu vực và thế giới, vì lợi ích của người dân".
Nhắc lại một số khó khăn và trắc trở trong quá trình các nước đàm phán và thông qua hiệp định TPP (nay là CPTPP), Thủ tướng cho rằng, sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là chìa khóa để các quốc gia giải quyết các vấn đề còn bất đồng, khác biệt trong một thế giới đầy biến động như hiện nay.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng chia sẻ thông tin và đề nghị phía Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong khắc phục hậu quả chiến tranh, cụ thể là tìm kiếm các liệt sĩ mất tích, khắc phục hậu quả chất độc da cam, tẩy sạch chất độc và rà phá bom mìn. Những phát biểu này của Thủ tướng nhận được sự chia sẻ và đồng tình cao từ các đại biểu tham dự cuộc làm việc.