Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quần đảo chiến lược của Indonesia kêu gọi đầu tư nhưng nói không với Trung Quốc

(VTC News) -

Nhiếp chính quần đảo Natuna của Indonesia kêu gọi sự đầu tư từ các cường quốc nhưng tuyên bố không hoan nghênh sự hỗ trợ từ Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây với The AgeSydney Morning Herald, Nhiếp chính quần đảo Natuna - ông Abdul Hamid Rizal cho biết ông rất mong chờ các khoản đầu tư của Mỹ để xây dựng một sân bay quốc tế mới thay thế sân bay quân sự trên đảo. 

Nhiếp chính (chức vị tương đương tỉnh trưởng) của quần đảo Natuna - ông Abdul Hamid Riza. (Ảnh: DETIKCOM).

Natuna từ lâu được xem là tiền tuyến chiến lược của Indonesia ở Biển Đông, vùng biển mà Trung Quốc nhiều năm qua gia tăng các hành động phi pháp. 

Một sân bay quốc tế mới sẽ đưa khách du lịch tới đảo, đẩy nhanh sự phát triển và củng cố quyền kiểm soát của Indonesia đối với biển Bắc Natuna cùng tài nguyên trên biển. Một phần của vùng biển này chồng lấn với yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc. 

Đường băng tại sân bay ở Natuna Besar, đảo chính của quần đảo Natuna. (Ảnh: SMH)

Ông Abdul mới đây có cuộc gặp với cựu Đại sứ Mỹ tại Indonesia Joseph Donovan để thảo luận về cơ hội đầu tư vào hòn đảo này. 

"Chúng tôi hoan nghênh đầu tư nước ngoài. Nhưng nếu có thể, nên là các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Australia hoặc quốc gia khác. Chúng tôi không nghĩ Trung Quốc là lựa chọn họp lý. Chúng tôi lo ngại rằng các công nhân mà họ đưa tới không phải là công nhân mà là quân đội", ông Abdul cho biết. 

Vị Nhiếp chính này khẳng định các khoản đầu tư từ các quốc gia ủng hộ một Biển Đông tự do, cởi mở sẽ mang tính chất kinh doanh, không chứa quá nhiều yếu tố chính trị. 

Lời kêu gọi đầu tư của ông Abdul được đánh giá là trực tiếp hơn so với chính phủ của Tổng thống Joko Widodo, vốn trước đó từng tuyên bố hoan nghênh các khoản đầu tư từ nước ngoài. 

Theo SMH, đây là lần đầu tiên một quan chức Indonesia nói rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc không được hoan nghênh và kêu gọi đầu tư từ các quốc gia khác. 

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tại Biển Đông trong những tháng gần đây. 

Ronnie Indra, người đứng đầu Bộ phận Hợp tác của Natuna cho biết các quan chức Mỹ đánh tiếng rằng Cơ quan Thương mại và Phát triển của Mỹ có thể sẵn sàng đầu tư vào sân bay mới trên quần đảo này. 

Trên thực tế, một cuộc họp liên quan tới vấn đề trên từng được lên lịch vào tháng 4 nhưng bị hủy bỏ do đại dịch COVID-19. Các chuyến đi của ông Abdul tới Mỹ và Australia để quảng bá Natuna như một điểm đến đầu tư hấp dẫn cũng phải dời lịch vì lý do tương tự. 

Lực lượng bảo vệ bờ biển Indonesia chuẩn bị tuần tra biển Bắc Natuna. (Ảnh: SMH)

"Do chúng tôi cũng đang bận rộn và tập trung sự chú ý vào COVID-19, nên không có gì tiến triển trên mặt trận đó", ông Indra cho hay. 

Trong khi đó, chuyên gia Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế của Washington Greg Poling cho rằng Mỹ có thể cân nhắc đầu tư vào quần đảo Indonesia nhưng ngân sách mà họ chi ra có thể sẽ bị hạn chế. 

"Mỹ, Australia và Nhật Bản không cố gắng cạnh tranh tiền bạc với Trung Quốc trong các dự án cơ sở hạ tầng. Nơi họ bước vào là một số ít dự án mà họ nhận thấy có mối đe dọa chiến lược rõ ràng từ đầu tư của Trung Quốc", ông Poling cho hay. 

Song Hy

Tin mới