Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước ý kiến cho rằng cây cao su có độc tố khiến các loài sinh vật khác không thể sinh sống được dưới tán rừng cao su; việc trồng và mở rộng diện tích cây cao su chính là một phần nguyên nhân khiến lũ quét ở các vùng núi ngày càng thảm khốc.
Tuy nhiên, trả lời VTC News, ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát trển Nông thôn) lại có những quan điểm ngược lại.
Không có con gì sống được vì bị người bắt hết
- Tại Quốc hội ngày 5/11, nữ đại biểu tỉnh Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp cho rằng "cây cao su là loại cây hút O2 và thải ra CO2, không có một con gì sống được trong rừng đó”. Phát biểu này đang gây ra không ít tranh luận, thưa ông?
Theo quan điểm của tôi thì cây cao su không có độc tố nào cả. Đây là cây xanh thì cũng có 2 quá trình, ban ngày quang hợp (hút khí CO2 thải ra O2), đêm thì hô hấp (hút khí O2 và nhả ra CO2). Nếu vào rừng ở buổi đêm bao giờ cũng khó chịu hơn ban ngày.
Tuy nhiên độc tố thì cũng cần có những đánh giá, phân tích cụ thể hơn.
Thực tiễn ở dưới tán rừng cao su còn rất nhiều cây khác. Tại rừng che tán, cây nào chịu bóng mới sống được, còn cây nào ưa sáng thì không sống được.
tong cuc lam nghiep (1).jpg
Mật ong lấy từ phấn hoa cao su vẫn bán cho mọi người sử dụng tốt nên không thể nói đến việc có độc
Ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp
Hiện tại, có rất nhiều mô hình chăn nuôi dưới tán cao su như nuôi ong có bị ảnh hưởng gì đâu. Mật ong lấy từ phấn hoa cao su vẫn bán cho mọi người sử dụng tốt nên không thể nói đến việc có độc.
Việc phát triển các loài cây trồng, con vật dưới tán cao su, tôi thấy nuôi ong là tương đối điển hình và hiệu quả. Khu vực miền Trung và Tây Bắc (có Sơn La) thực hiện mô hình này rất nhiều.
Tôi khẳng định rằng không có việc dưới tán cao su không có con gì sống được. Bởi rừng cao su là rừng trồng thì làm gì có con nào sống được, nếu có thì người dân bắt hết rồi còn đâu nữa.
Ví dụ, dưới tán rừng trồng làm gì có hổ, báo, lợn rừng… những con vật đó chỉ sống ở nơi xa xôi hẻo lánh và không có con người đến.
Còn rừng cao su tập trung ở những tỉnh địa phương ven quốc lộ thì không thể có con nào đến được, bởi dân bắt hết rồi còn đâu.
Không làm bào mòn đất
- Nhiều ý kiến cho rằng, việc trồng cây cao su sẽ làm đất bào mòn nhanh, không giữ được nước ngăn lũ lụt?
Theo tôi là không, cây cao su giữ nước bởi tán nó rộng thế mà, trong rừng cao su có hở chút ánh sáng nào đâu. Chính vì vậy, chỉ có những loài sinh vật nào chịu được bóng tối mới sống ở trong rừng cao su.
Tôi khẳng định việc trồng cây cao su không làm cho đất bào mòn nhanh, bởi tán nó rất rộng và che phủ hết bề mặt của đất đồi.
Tuy nhiên, quy trình canh tác cây cao su này, phải xử lý thượng bì cày xới nó lên nên trong giai đoạn đầu gặp mưa thì bị xói mòn đất. Sau đó, khi rừng che kín hết rồi thì không có vấn đề gì hết cả.
- Từ thời Pháp thuộc, các kỹ sư người Pháp từng có cảnh báo việc trồng cao su ở vùng miền Trung, Tây Bắc là không phù hợp?
Cây cao su được du nhập vào nước ta từ cuối thế kỷ 19, đã có quá trình lịch sử phát triển rất lâu.
Hiện nay, có nhiều giống cây cao su thích hợp để có thể thích ứng với nhiều loại khí hậu, địa hình khác nhau. Từ đây, giúp rộng diện tích trồng ra được nhiều vùng khác được như miền Trung, Tây Bắc.
Tôi nhớ vào khoảng năm 2010, Chính phủ có chương trình phát triển cây cao su và từ đây được mở rộng ra Tây Bắc, Trung Bộ.
Theo lãnh đạo Cục Lâm nghiệp, việc trồng rừng cao su không làm xói mòn đất, tăng nguy cơ lũ quét.
- Có ý kiến cho rằng, trồng 1 hecta cao su ở khu vực miền Trung, Tây Bắc không bằng trồng cỏ nuôi 10 con bò. Ông nhận xét thế nào về quan điểm này?
Tôi nghĩ rằng trồng cây nào cũng thế, không thể so sánh đánh giá thiển cận như thế được.
Ví dụ như trồng cây ăn quả, cây không có giá trị về kinh tế thì nó sẽ ảnh hưởng, không chỉ riêng cây cao su. Trồng cây phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố về thị trường, nhu cầu tiêu dùng.
- Liệu có thực trạng doanh nghiệp trồng cây cao su ở các tỉnh miền Trung và Tây Bắc như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La tận dụng việc này để phá rừng, tận thu gỗ và trồng thay thế cây cao su thế vào đó?
Không có chuyện phá rừng để trồng cao su. Đó là chương trình phát triển tùy theo mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương, chứ không phải của Bộ Nông nghiệp hoặc của ai đó.
Theo đó, chủ trương trên được đưa vào nghị quyết của Hội đồng Nhân dân, Đảng ủy, chính quyền và địa phương làm.
Những diện tích rừng trồng chuyển đổi sang trồng cây cao su và cây này được gọi là cây đa mục đích, đa mục tiêu. Cây này trồng trên đất lâm nghiệp thì gọi là đất cây trồng lâm nghiệp.
Được tính vào diện tích rừng
- Trên nghị trường Quốc hội, đại biểu Ksor H Bơ Khăp băn khoăn việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tính diện tích trồng cây cao su vào diện tích che phủ rừng? Theo ông, việc trồng cây cao su có được tính là trồng rừng không?
Như tôi nói, cây cao su trồng trên đất quy hoạch lâm nghiệp được tính vào độ che phủ của rừng. Bởi nó là cây cơ cấu trồng rừng và chỉ có mỗi cây này là cây đa mục đích.
- Tuy nhiên tại Lào, Chính phủ cấm trồng cây cao su tại vùng đồi núi từ năm 2012. Là một đất nước có điều kiện tự nhiên tương đồng, Việt Nam cũng đã đến lúc phải đề xuất loại bỏ cây cao su trong cơ cấu cây trồng?
Tôi không biết được thông tin Lào cấm trồng cây cao su. Tuy nhiên, ở bên đó người ta phát triển cây cao su rất nhiều, đặc biệt những địa phương có chung đường biên giới với cả Việt Nam.
Tôi không nghĩ phải loại bỏ, bởi nó có tội tình gì đâu. Cây cao su có tiềm năng phát triển và hiệu quả của nó trong hơn 100 năm qua, giải quyết được việc làm cho hàng triệu lao động. Cũng từng có một thời gian, cây cao su là một trong những cây đạt hiệu quả kinh tế cao.
Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu cao su đứng thứ 5 thế giới, mang lại hiệu quả kinh tế cao và giải quyết sinh kế cho nhiều người dân.
Cây nào cũng có quá trình lịch sử của nó, chúng ta không nên đánh giá thiển cận quá. Nói chung nên đánh giá khách quan cây cao su và nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau, chứ không nên phê phán.
Trả lời VTC News, ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) - đơn vị quản lý diện tích, sản xuất cây cao su, cho hay, cây cao su thích hợp với nhiệt độ cao và đều (25-30 độ C) và biên độ trong một ngày từ 7-8 độ C. Ở nhiệt độ trên 40 độ C, cây bị khô héo; ở nhiệt độ dưới 10 độ C, cây ngừng tăng trưởng, lá bị héo rụng và xì mủ.
Cây cao su có thể trồng ở các vùng đất có lượng mưa từ 1.500-2.000mm nước/năm. Đối với các vùng có lượng mưa dưới 1.500mm thì lượng mưa cần phải phân bố đều, đất có khả năng giữ nước tốt.
Về hiệu quả trồng cây cao su, ông Đức cho biết, vùng có diện tích và năng suất lớn nhất là Đông Nam Bộ, tiếp đó là Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và Bắc Trung Bộ là thấp nhất. Bắc Trung Bộ có năng suất thấp nhất do điều kiện khí hậu và đất đai khó khăn hơn so với các vùng trên.
Đôii với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ, ở những diện tích nguy cơ cao bị ảnh hưởng do gió bão không trồng tiếp cao su sau khi hết chu kỳ kinh doanh; diện tích bị ảnh hưởng nặng do bão cần thanh lý trồng lại hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác.
Những vùng này thường xảy ra thiên tai thích hợp với những giống cây cao su để chịu gió mạnh như RRIM600, RRIM712, GT1, RRIC121, IRAN873, PB312...
Ông Đức cho rằng, vùng Tây Nguyên đang có định hướng giảm dần cây cao su.
"Vùng Tây Nguyên định hướng giảm dần còn 230.000 ha đến năm 2020 giảm 13.000 ha so với năm 2016, do chuyển đổi diện tích cao su tiểu điền ở những vùng không phù hợp (đất nghèo kiệt, tầng canh tác thấp) sang cây trồng khác phù hợp hơn", ông Đức chia sẻ.