Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quan chức Quốc hội: Còn đùn đẩy trong bồi thường oan sai

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội – Lê Thị Nga cho rằng hiện nay đang có sự đùn đẩy trong việc giải quyết bồi thường oan sai.

(VTC News) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội – Lê Thị Nga cho rằng hiện nay đang có sự đùn đẩy trong việc giải quyết bồi thường oan sai.


Sáng nay (13/3), đại biểu Quốc hội đã chất vấn Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và bồi thường oan sai theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước.


Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội

 

Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội ghi nhận nỗ lực của các cơ quan tố tụng trong việc bồi thường oan sai thời gian qua nhưng nhận thấy "còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan tố tụng, trong đó có tòa án", trong đó, nhiều trường hợp phải kiên trì đòi bồi thường trong 5-7 năm.



Thực trạng này vi phạm nguyên tắc “bồi thường phải nhanh chóng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị oan"


 

Khi yêu cầu bồi thường thì các cơ quan tố tụng trung ương và địa phương không thống nhất và có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm cho nhau

Phó Chủ nhiệm UB Tư Pháp

Lê Thị Nga
 
Bên cạnh đó, bà Nga chất vấn: "Vụ Nguyễn Thanh Chấn ngồi tù oan 10 năm thì đến thời điểm này đã được giải quyết đến đâu? Nguyên nhân chậm trễ do đâu và đề nghị Chánh án TAND tối cao đưa ra giải pháp?".



Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội tiếp tục nêu vụ ông Phan Văn Lá, sinh năm 1967 ở Châu Thành, Long An bị xử oan về tội Hủy hoại tài sản. Ông Lá đã phải mang thân phận bị can suốt 21 năm. Sau đó, ông Lá có yêu cầu bồi thường và có nhiều ý kiến trên cơ quan thông tin đại chúng.



"Khi yêu cầu bồi thường thì các cơ quan tố tụng trung ương và địa phương không thống nhất và có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Bộ Công an và Viện KSND Tối cao trả lời trường hợp này thuộc trách nhiệm bồi thường của TAND huyện Châu Thành, Long An. Tòa án nhân dân tối cao trả lời trường hợp này thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra, viện kiếm sát phải bồi thường. Dưới con mắt cử tri, đây là đùn đẩy trách nhiệm. Trách nhiệm của Chánh án TANDTC đến đâu và giải pháp cụ thể là gì?", bà Nga chất vấn.


Ông Phan Văn Lá với chồng đơn kêu oan và đòi bồi thường thiệt hại.  

Về việc bà Nga cho rằng có sự đùn đẩy "công an bảo tòa, tòa bảo viện" khi giải quyết bồi thường cho ông Phan Văn Lá,

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình

cho rằng nếu có thì "cả ba cơ quan đều có lỗi với dân".

“Trường hợp Phan Văn Lá ở Long An, nếu có việc đùn đẩy này thi cả 3 cơ quan tố tụng đều có trách nhiệm với dân vì làm thiệt hại quyền lợi của người dân. Việc cơ quan điều tra kéo dài và để 21 năm mới ra kết luận đình chỉ vụ án thì cũng là một điều sai và cần kiểm điểm trách nhiệm”, ông Bình nêu quan điểm.



Theo ông Bình, các trường hợp bồi thường oan sai do các cơ quan tố tụng, tùy từng giai đoạn có những sai lầm nên có sự không thống nhất trong việc cơ quan nào bồi thường. Sự việc này là có, nhưng không nhiều.



Trả lời về hướng giải quyết, ông Bình cho biết khi người bị hại yêu cầu, các cơ quan tố tụng sẽ thương lượng để thống nhất bồi thường và người bị hại chấp nhận. Đến nay, cơ bản các trường hợp thương lượng đã xong.



Vị Chánh án TANDTC cho rằng nguyên nhân là do vẫn chưa có quy định pháp luật cụ thể trong một số trường hợp bồi thường oan sai và tinh thần trách nhiệm của các cán bộ chưa cao.



Theo ông, trong vụ án Phan Văn Lá "câu chuyện pháp lý" cần phải xem xét, cần phải có cơ quan trọng tài để xem trách nhiệm thuộc cơ quan nào.


Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình

"Chúng tôi nghĩ phải sửa đổi luật bồi thường nhà nước và xác định cơ quan trung tâm làm nhiệm vụ trọng tài. Hoặc xác định 3 cơ quan tố tụng làm oan cho dân thì phải có một cơ quan nhà nước đứng ra bồi thường, chẳng hạn là Bộ Tư pháp.

Bộ Tư pháp đại diện cho nhà nước đứng ra giải quyết bồi thường oan sai nhanh chóng, làm ngay, không phải đùn đẩy qua lại.

Còn xác định trách nhiệm của cơ quan nào, lỗi do đâu thì cần quá trình".



Tuy nhiên, phát biểu thêm, bà Lê Thị Nga cho rằng "vụ án Phan Văn Lá đã rõ ràng đã có đùn đẩy", chứ không phải là "nếu có".



Về vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn, Chánh án TANDTC cho hay, các cơ quan tố tụng đã tiến hành một cách "quyết liệt". Đến nay, nếu gia đình ông Chấn nộp tài liệu chứng minh xong sẽ giải quyết được kết quả cuối cùng.



“Tòa tối cao đã nhiều lần có văn bản mời ông Chấn lên để thỏa thuận bồi thường, cung cấp các tài liệu để tiến hành bồi thường theo quy định của nhà nước. Tuy nhiên, gia đình ông Chấn vẫn chưa cung cấp được. Đại diện TAND tối cao 2 lần đến nhà trực tiếp gặp gia đình ông Chấn và được biết một số tài liệu đã đưa cho luật sư. Hiện tại, luật sư vẫn chưa chuyển những tài liệu này cho TANDTC”, ông Bình thông tin.


Ông Nguyễn Thanh Chấn bị ngồi tù oan 10 năm 

Cũng đặt câu hỏi liên quan đến việc bồi thường oan sai, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nêu vấn đề: “Người thi hành công vụ gây oan sai đã hoàn trả bao nhiêu tiền cho ngân sách nhà nước? Dư luận cho rằng không được lấy tiền thuế của dân để bồi thường oan sai thay các cán bộ này?”.



Trả lời về vấn đề này, ông Trương Hòa Bình cho rằng hiện chưa xác định được vụ nào lỗi cố ý nên chưa xem xét trách nhiệm hoàn trả.


Phạm Thịnh


Nguồn:

Tin mới