Trả lời phỏng vấn tờ Rossiyskaya Gazeta ngày 16/2, Phó Thư ký Hội đồng An ninh Nga Mikhail Popov nhận định việc Mỹ khai thác nguy cơ chiến tranh cận kề giữa các nước lớn mà chủ yếu là với Nga đã giúp Washington cân đối nhu cầu chi tiêu quân sự khổng lồ của họ.
"Những nỗ lực nhằm cân đối chi tiêu quân sự khổng lồ của Mỹ cho thấy việc duy trì nguy cơ chiến tranh cận kề với những nước lớn, đầu tiên và trước nhất là với Nga, có thể dẫn đến những hành động leo thang khủng hoảng một cách có hệ thống", ông Popov cho biết.
Cũng theo ông Popov, với chi tiêu quân sự khổng lồ, giới lãnh đạo Mỹ đang cố gắng duy trì hiện diện quân sự của họ trên toàn cầu ở những nơi Washington nhìn thấy lợi ích kinh tế.
Kích động khủng hoảng ở Ukraine mang lại cho Mỹ nhiều lợi ích hơn là nguy cơ. (Ảnh: Wall Street Journal)
Quan chức an ninh Nga cũng chỉ rõ: "Những điểm nóng quân sự và chính trị đã được tạo ra ở đây, giúp Mỹ có thể duy trì mức độ kiểm soát nhất định".
Ngoài ra, tình huống này cũng cho phép các nước khác tranh thủ lợi ích kinh tế và củng cố vị thế của mình tại những khu vực trên.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận định tại một cuộc họp báo rằng người dân Ukraine sẽ phải gánh nợ trước những khoản hỗ trợ quân sự mà các nước phương Tây cung cấp cho Kiev.
Bà Zakharova cho biết, kể từ đầu năm nay, hơn 40 máy bay vận tải quân sự từ các nước như Mỹ, Anh, Canada, Ba Lan và Litva đã hạ cánh ở Ukraine. Trước đó vào tháng 12/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua khoản hỗ trợ an ninh bổ sung trị giá 200 triệu USD cho Ukraine, gói hỗ trợ này bao gồm các tên lửa chống tăng, súng phóng lựu đạn, súng bộ binh và đạn dược.