"Nếu không có áp lực của Mỹ đối với lãnh đạo Ukraine thì tình hình không như bây giờ. Lãnh đạo Ukraine đã sẵn sàng ký hiệp ước hòa bình và đưa ra các đề xuất bằng văn bản cho Nga. Về nguyên tắc, chúng tôi đã chấp thuận", Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolay Patrushev nói, đề cập đến các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng Ba năm ngoái.
Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolay Patrushev. (Ảnh: TASS)
"Vào buổi sáng, thành viên phái đoàn Ukraine gửi các đề xuất cho chúng tôi trong các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, vào buổi tối, họ nói: 'Không, chúng tôi từ bỏ chúng'", ông Nikolay Patrushev cho biết thêm.
Thư ký Hội đồng An ninh Nga nhấn mạnh: "Điều này xảy ra chỉ vì Mỹ đã gây áp lực lên Ukraine. Washington nói rằng không cần phải tổ chức đàm phán".
Theo ông Nikolay Patrushev, "có nhiều bên quan tâm trong cuộc xung đột", trước hết là Mỹ và Vương quốc Anh.
Sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, cuộc đàm phán đầu tiên giữa Nga và Ukraine diễn ra tại Belarus vào đầu tháng 3/2022 nhưng cuộc đàm phán không mang lại kết quả.
Tiếp đó, vòng đàm phán 2 bên diễn ra ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 29/3/2022. Sau đó, Trợ lý Tổng thống Nga, Trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky thông báo Moskva đã nhận được các đề xuất của Kiev về một thỏa thuận có thể có trong tương lai, trong đó có cam kết về tình trạng trung lập, không liên kết và không cho phép triển khai quân đội và vũ khí nước ngoài, cả vũ khí hạt nhân, trên lãnh thổ Ukraine.
Vào thời điểm đó, Nga rút quân khỏi khu vực Kiev và Chernigov. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về giải pháp hòa bình đã hoàn toàn bị đóng băng sau đó. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Kiev đã từ bỏ các thỏa thuận đạt được ở Istanbul.
Vào tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky ban hành quyết định cấm các cuộc đàm phán với ông Putin.