Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quan chức Mỹ liên tiếp đến châu Á: Chiến lược ‘xoay trục’ trong bối cảnh mới?

(VTC News) -

Các quan chức Mỹ liên tiếp thực hiện các chuyến công du tới châu Á và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thời gian gần đây.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bắt đầu đến Singapore hôm 26/7. Trong chuyến công du châu Á, ông dự kiến dừng chân thêm tại Philippines và Việt Nam, qua đó thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực, theo các tuyên bố chính thức. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông với tư cách là bộ trưởng quốc phòng đến Đông Nam Á.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đang ở Ấn Độ.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã có cuộc đối thoại với các quan chức Trung Quốc tại Thiên Tân hôm 27-28/7. Trước đó, bà đã đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ.

Mới đây, theo một nguồn tin từ truyền thông, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng được cho là có thể đến Singapore và Việt Nam vào tháng 8. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. (Ảnh: Getty)

Một trong những nội dung nổi bật trong các chuyến đi đã và đang diễn ra của quan chức Mỹ là “tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc hợp tác với các đồng minh và đối tác nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và duy trì trật tự dựa trên luật lệ quốc tế”.

Mỹ cũng hướng đến mối quan hệ ổn định hơn, có thể dự đoán được hơn với Trung Quốc và Triều Tiên.

Tiếp diễn "xoay trục" sang châu Á?

Chuyến đi của các quan chức Mỹ thu hút sự chú ý khi khu vực và quốc tế chờ đợi những bước đi cụ thể về chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của chính quyền tân Tổng thống Biden, 6 tháng sau khi nhiệm kỳ của ông bắt đầu.

Truyền thông Trung Quốc không bỏ lỡ cơ hội “đặt câu hỏi” về các chuyến đi, khi cho rằng Mỹ gần đây xao nhãng với khu vực.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự hiện diện của các quan chức Mỹ như Bộ trưởng Quốc phòng Austin là quan trọng để thể hiện rõ rằng Đông Nam Á và châu Á là một phần thiết yếu trong chính sách an ninh của Mỹ, cũng như các kế hoạch cụ thể của nước này về kinh tế, thương mại và quân sự với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. “Chính quyền Mỹ hiểu rằng khu vực này là quan trọng, nên ‘xuất hiện’ là rất cần thiết”, Gregory Poling, nhà nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế, Washington bình luận.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: IE)

Một nhà ngoại giao châu Á giấu tên nhận định với CNBC rằng dường như chính quyền ông Biden giờ đã chuyển trọng tâm tập trung hơn vào châu Á sau khi giải quyết các vấn đề toàn cầu khác, như mối quan hệ với Nga và châu Âu.

Thực tế, giới quan sát trước đó đã có những bình luận về một “xoay trục châu Á mới” hay “xoay trục châu Á kiểu Biden”. Mỹ chưa bao giờ từ bỏ chiến lược xoay trục sang châu Á.

Chiến lược xoay trục (hay tái cân bằng) sang châu Á ban đầu được lên ý tưởng từ chính quyền Obama, cụ thể hóa bởi Ngoại trưởng khi đó là Hillary Clinton. Chiến lược này yêu cầu sự “tái cân bằng” các tài sản kinh tế, ngoại giao và quân sự của Mỹ từ các quốc gia khác đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Và nó từng bị chỉ trích nặng nề vì bị cho là khiến căng thẳng gia tăng trong khu vực, kéo theo chính sách ngân sách không hợp lý cho các hạng mục khác.

Đến thời cựu Tổng thống Trump, chính sách đối ngoại “nước Mỹ trên hết” theo đuổi chủ trương bảo hộ thương mại, rút Mỹ khỏi các thỏa thuận thương mại, theo đuổi các mối quan hệ song phương thay vì tham gia vào tổ chức đa phương và các cơ chế thương mại khu vực. Chính sách của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương lúc này chủ yếu chung mục tiêu với chính quyền trước ở phương diện đối mặt với ảnh hưởng của Trung Quốc, thông qua các hỗ trợ quân sự và thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân.

Sự "hồi sinh" chiến lược xoay trục châu Á của chính quyền Biden, biểu hiện đầu tiên bởi việc ông Kurt Campbell - cựu Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời Obama, được bổ nhiệm làm quan chức cấp cao về châu Á, cho thấy Mỹ có thể sẽ tăng cường hoạt động ở khu vực trong thời gian tới, cũng như sẵn sàng đối mặt với các "mối đe dọa" từ Trung Quốc. Ông Campbell có thể sẽ theo đuổi chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình, với mục tiêu “duy trì sự cân bằng và hợp pháp”, bao gồm “nhu cầu về sự cân bằng quyền lực, nhu cầu về một trật tự mà các quốc gia trong khu vực công nhận là hợp pháp và nhu cầu về liên minh đồng minh và đối tác để giải quyết các thách thức từ Trung Quốc đối với các bên”.

Ông Kurt Campbell. 

Bối cảnh mới

“Xoay trục” châu Á hiện tại của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc phát triển mạnh mẽ về quân sự và kinh tế, dịch bệnh COVID-19 và các mối quan hệ gián đoạn từ thời chính quyền Trump.

Để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực, Mỹ sẽ muốn tăng cường sự hiện diện của mình, không chỉ thông qua hỗ trợ quân sự, đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, mà còn tái khẳng định lập trường với các tổ chức đa phương.

“Bạn sẽ nghe tôi nói rất nhiều về các mối quan hệ đối tác và giá trị của chúng. Mục tiêu của tôi là tăng cường các mối quan hệ”, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Austin nói trước chuyến công du châu Á.  

Trong chuyến đi đến Philippines lần này, ông cũng được cho là sẽ thảo luận về thỏa thuận quân sự giữa Mỹ và Philippines.

Ngoài ra, dịch bệnh là một yếu tố lớn. Chuyến đi của ông Austin đến khu vực từng được lên kế hoạch vào tháng 6 nhưng đã phải hoãn lại vì các lệnh hạn chế chống dịch ở Singapore.

Mỹ đang tích cực đóng góp vaccine thông qua các kênh và cơ chế khác nhau cho các nước trên thế giới, trong đó có các nước châu Á. Tuy nhiên bài toán phân phối và “ngoại giao vaccine” hiệu quả cũng được đặt ra.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Ấn Độ. (Ảnh: ANI)

Cho đến nay, chính quyền Biden đã tìm cách tập hợp các đồng minh và đối tác ứng phó trước những gì họ nói là các chính sách kinh tế và đối ngoại ngày càng ép buộc của Trung Quốc. Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng Mỹ sẽ cần cân bằng giữa việc nhấn mạnh “mối đe dọa từ Trung Quốc” với việc mở ra các chiến lược khác, như chiến lược về kinh tế.

Các quan chức Mỹ cũng khẳng định không hướng đến sự đối đầu với Trung Quốc. Hiện Mỹ và Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề khác biệt, trong đó nổi bật là các mâu thuẫn thương mại liên quan đến chương trình thuế quan hai bên áp lên nhau. Trong các cuộc đối thoại mới nhất, việc giải quyết khác biệt giữa hai bên chưa có tiến triển gì.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Mỹ, tính đến năm 2020. Rõ ràng, Mỹ sẽ muốn tìm cách cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác trong mối quan hệ này. 

Phương Anh (Tổng hợp)

Tin mới